Người đàn ông bị suy thận vì hay ăn loại rau "vua dưỡng chất" này, bác sĩ chỉ ra cách nấu đúng để tránh bệnh

Bác sĩ cảnh báo cách chế biến sai có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, dù ăn thực phẩm được cho là tốt.

Ông Lý, 61 tuổi, người gốc Ninh Ba (Trung Quốc), mắc bệnh thận mãn tính đã nhiều năm, ông chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống nhẹ nhàng. Tuy nhiên cách đây không lâu, ông Lý đột nhiên cảm thấy yếu ớt, không ăn uống được, còn buồn nôn, nôn mửa, sau khi đến bệnh viện khám, chỉ số creatinine trong máu tăng vọt lên hơn 900. Ông được chẩn đoán bị tổn thương thận cấp tính và suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo suốt đời.

Bác sĩ chỉ ra một sai lầm căn bản trong thói quen ăn uống của ông Lý là ăn quá nhiều rau bina. Vì sao lại vậy?

Theo Phó giám đốc Khoa Thận của Bệnh viện số 2 Ninh Ba, nguyên nhân bệnh nhân mắc bệnh là do axit oxalic có trong rau bina. Việc hấp thụ quá nhiều axit oxalic sẽ thúc đẩy hình thành sỏi canxi oxalate, có thể gây tắc nghẽn và làm tổn thương thận. 

Một số loại rau không phù hợp để ăn sống hay chưa chín kỹ. (Ảnh minh họa)

Rau chân vịt chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất nhưng không phù hợp cho người bị thận. Bác sĩ cho biết nguyên nhân bệnh nhân mắc bệnh là do axit oxalic có trong rau bina. 

Trong trường hợp ăn loại rau này, bác sĩ khuyên ông Lý nên chần các loại rau giàu axit oxalic trong 60 giây trước khi nấu để loại bỏ phần lớn axit oxalic. Khuyến cáo khi chọn rau bina nên chọn loại rau mềm, sẽ có hàm lượng axit oxalic thấp hơn. Đồng thời, có thể ăn kèm với một ít hạt cải dầu, nấm, tảo bẹ, cà tím và các thực phẩm khác sẽ giúp thải axit oxalic ra ngoài sớm nhất và giảm nguy cơ hình thành sỏi.

Bác sĩ cũng cho biết, nếu bạn gặp các triệu chứng như đi tiểu ít, phù nề, buồn nôn và nôn sau khi ăn thực phẩm giàu axit oxalic, bạn phải đi khám kịp thời để kiểm tra chức năng thận để ngăn chặn bệnh tiếp tục phát triển thành bệnh thận mãn tính hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.

5 loại rau nên chần/luộc kỹ mới ăn, không nên ăn sống:

1. Cần tây

Cần tây chứa hàm lượng nitrat cao, đặc biệt ở một số lá già, nếu không chần trong quá trình nấu sẽ dễ dẫn đến cơ thể hấp thụ quá nhiều nitrat, chất này xâm nhập vào cơ thể và phân hủy cùng với axit dạ dày và protein. Phản ứng hóa học tạo ra nitrosamine, có thể gây hại cho sức khỏe.

Rau cần tây giàu dưỡng chất nhưng không nên dùng sống. (Ảnh minh họa). 

2. Đậu que 

Đậu que chứa hàm lượng phytohemagglutinin cao, đây là một loại glycoprotein độc hại khó tiêu diệt nếu không đun nóng đủ, ăn vào có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Khi nấu, tốt nhất bạn nên chần nước trước để tránh nấu chưa chín kỹ.

Cần lưu ý, họ đậu như đậu ván, đậu đũa, đậu cove chứa lectin. Sử dụng quá nhiều lectin trong khẩu phần ăn sẽ dẫn đến phá hủy thành ruột. Từ đó, cơ thể bạn bị kích ứng dẫn đến một số triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn...

Thực tế, lectin thực vật không chịu nhiệt, chỉ cần đun nóng kỹ, cấu trúc của chúng có thể bị phá hủy. Những loại đậu này thường cần được đun nóng ở nhiệt độ 100°C trong 10 phút để đảm bảo an toàn.

3. Củ sen

Hạt dẻ nước, củ sen và các loại thực vật thủy sinh khác có thể có ký sinh trùng trên chúng, vì vậy hãy nhớ không ăn sống, cần nấu chín, ít nhất là chần chúng từ hai đến ba phút trước khi ăn.

4. Bông cải, súp lơ 

Các loại rau như bông cải xanh và súp lơ khó làm sạch hơn, có thể chứa một số dư lượng thuốc trừ sâu và trứng côn trùng khó làm sạch. Chần trước khi nấu có thể giảm thiểu rủi ro rất nhiều, do đó, nên chần trong 1-2 phút trước khi bạn nấu. 

Súp lơ khó làm sạch, có thể chứa vi trùng, dư lượng hóa chất. (Ảnh minh họa). 

5. Rau muống, rau dền  

Các loại rau muống, rau dền, rau răm, măng tươi, mướp đắng và các loại rau đắng khác chứa nhiều axit oxalic, với đặc trưng là vị chát. Ở liều cao, acid oxalic có khả năng gây ra ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong với hàm lượng 4-5g. Axit oxalic tan trong nước nên tốt nhất nên chần trước khi ăn.  

THÙY LINH (DỊCH TỪ SOHU)