Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dữ liệu tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2023, đồng thời cho thấy lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào ngân hàng đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng bất chấp lãi suất huy động ngày càng xuống thấp.
Đáng chú ý, động lực tăng trưởng trong tháng 6 thay vì đến từ dân cư như những tháng trước thì lần này lại chủ yếu đến từ các tổ chức kinh tế.
Cụ thể, số dư tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng tới hơn 235.000 tỷ đồng so với cuối tháng 5 và tăng 0,51% so với cuối năm 2022.
Đây cũng là tháng tăng mạnh nhất trong 18 tháng gần đây. Diễn biến này cũng giúp tiền gửi của nhóm khách hàng này từ tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm chuyển thành tăng trưởng dương trong 6 tháng.
Sang đến tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022. Như vậy, tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp kể từ tháng 10/2022.
So với tháng 5, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm 35.341 tỷ đồng. Còn so với cuối năm 2022, số tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng đã tăng thêm hơn 429.000 tỷ đồng.
Mặc dù thị trường chứng khoán đã có diễn biến sôi động trở lại trong 6 tháng đầu năm cùng lãi suất tiền gửi được giảm liên tục để hỗ trợ doanh nghiệp, lượng tiền gửi dân cư trong tháng 6 vẫn tiếp tục tăng, điều này cho thấy vẫn có lượng lớn người dân lựa chọn gửi tiền vào hệ thống ngân hàng lấy lãi thay vì đem tiền đi đầu tư sinh lời cao hơn.
Gần đây, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiết kiệm lần thứ 5, tính từ đầu năm đến nay. Theo đó, lãi suất tại nhóm này giảm về dưới 6%/năm với kỳ hạn 12 tháng, trong khi đầu năm nay niêm yết 7,5-8,2%/năm.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Eximbank cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 4,75% xuống còn 4,25%; kỳ hạn 6 -12 tháng giảm từ 5,8% xuống còn 5,6 - 5,7%; kỳ hạn từ 13 tháng – 36 tháng giữ nguyên so với trước đó, ở mức 5,8%.
ACB cũng đang áp dụng biểu lãi suất giảm sâu. Hiện gửi tiền kỳ hạn 6 tháng – 12 tháng theo hình thức của nhà băng này chỉ còn tối đa 5,8%/năm thay vì 6,2-6,4%/năm như trước. Để được lãi suất này, khách hàng cần gửi số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên.
Từ đầu tháng 8 tới nay, khoảng 30 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Lãi suất giảm nhanh và mạnh song đây là cơ sở để giảm lãi cho vay đầu ra.
Như vậy, sau giai đoạn tăng "nóng" vào cuối 2022, lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu hạ nhiệt khi bước vào đầu năm nay. So với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4,5 điểm % với kỳ hạn 6-12 tháng.