Người lao động đồng ý làm thêm giờ có buộc lập thành văn bản?

Vì để kịp tiến độ giao hàng trong mùa cao điểm, doanh nghiệp X cần người lao động làm thêm giờ để bảo đảm năng suất. Dù các bên đã có thỏa thuận với nhau trong Hợp đồng thì có cần phải Lập văn bản đồng ý làm thêm giờ với người lao động nữa hay không?

[1] Thời giờ làm việc của người lao động theo quy định pháp luật

“Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động”.

[2] Sự đồng ý của người lao động có bắt buộc lập thành văn bản

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ như sau:

“Điều 59. Sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ

Trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:

a) Thời gian làm thêm;

b) Địa điểm làm thêm;

c) Công việc làm thêm.

2. Trường hợp sự đồng ý của người lao động được ký thành văn bản riêng thì tham khảo Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IVban hành kèm theo Nghị định này”.

Như vậy, việc Lập văn bản về việc đồng ý làm thêm giờ là không bắt buộc, trong trường hợp có lập thì doanh nghiệp có thể tham khảo Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

[3] Xử phạt người sử dụng lao động khi ép người lao động làm thêm giờ

Trong trường hợp chưa được sự đồng ý của người lao động mà người sử dụng lao động buộc người lao động làm thêm giờ thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

“Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

…..

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động”.

Để tránh trường hợp bị xử phạt hành chính, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động, FDVN khuyến nghị các bên nên lập văn bản thỏa thuận về việc làm thêm giờ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý khách.

Nguyễn Thị Hải Nhi – Công ty Luật FDVN