Ngôi trường giữ nhiều kỷ lục ở Bình Dương
Đến khu phố 4, phường Mỹ Phước, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đi qua Trường Mầm non 28/7, nhiều người không khỏi giật mình vì quy mô và sự bề thế của ngôi trường không thua kém các trường điểm ở các TP lớn.
Ngôi trường với nhiều dãy nhà khang trang, trong đó khu nhà mới hai tầng vừa khánh thành xây trên diện tích gần 9 nghìn m2 gồm 10 phòng học, khu chức năng, phòng âm nhạc, bếp ăn, kho lương thực… Trường mầm non nhưng không chỉ có những khu vui chơi riêng biệt, mà còn có khu hành chính, khu nhà xe cho giáo viên...
Cơ ngơi thênh thang đến mức hiện nhân lực trong trường chưa đủ để vận hành sử dụng hết cơ sở hạ tầng. Hiện trường đang có 335 trẻ theo học, trong đó 70% các cháu là con CNLĐ các khu công nghiệp trên địa bàn.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung cho biết, ngôi trường chỉ mới “lột xác” gần đây, sau khi dự án xây dựng trường giai đoạn 2 hoàn tất. Trước đó, ngôi trường mang tên ngày thành lập Công đoàn Việt Nam bắt đầu được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2015, sau khi giai đoạn 1 với mức đầu tư 3,5 tỷ hoàn thành. Khi đó trường chỉ có thể tiếp nhận gần 100 cháu, với 1 lớp nhà trẻ, 2 lớp mẫu giáo. Khi các cháu lên 4 tuổi thì phải sang trường mầm non khác theo học.
Trong khi đó Bến Cát là khu vực có số lượng CNLĐ ngoại tỉnh tới các KCN làm việc nhiều bậc nhất Bình Dương. Điều này kéo theo nhu cầu về trường mẫu giáo cho con em CNLĐ. Khuôn viên trường rộng mênh mông hàng chục ngàn m2, nhưng kinh phí đâu để tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất? Đó là “bài toán” khó giải.
Cơ duyên đến, khi qua sự kết nối của lãnh đạo tỉnh Bình Dương và LĐLĐ tỉnh, một nữ doanh nhân biết chuyện, ngỏ ý tài trợ khoản tiền gần 20 tỷ thực hiện dự án giai đoạn 2 mở rộng chỉnh trang trường lên quy mô gấp nhiều lần.
Nhiều người dân địa phương nhận xét dự án được thực hiện “nhanh như điện xẹt”. Ngày 8/12/2018 làm lễ động thổ dự án, chỉ hơn năm sau dự án đã hoàn thành, với công trình mới rộng thênh thang, cùng các phần việc chỉnh trang khu nhà cũ, nâng cấp các hệ thống như PCCC…
Hiệu trưởng trường cho biết, sau khi dự án giai đoạn 2 hoàn thành, trường đã có cơ ngơi rất tốt, phục vụ học sinh, phát huy tối đa năng lực của giáo viên. Nhiều lần Trường 28/7 được các trường bạn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Trường nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, ưu tiên các bé có hộ khẩu, tạm trú trong địa bàn KP3-4, phường Mỹ Phước, là con CNLĐ, con cán bộ công chức làm việc tại các phòng ban của TX Bến Cát… Trường nhận trông trẻ theo thời gian làm việc của CNLĐ, có giữ thêm ngoài giờ hành chính các ngày trong tuần; không chỉ đảm bảo cho trẻ môi trường giáo dục tốt mà còn giúp CNLĐ an tâm làm việc.
Chị Trần Thị Ngọc Trâm (Công nhân KCN Mỹ Phước 2) bày tỏ: “Nếu gửi con ở các cơ sở tư nhân thì tốn rất nhiều tiền, CNLĐ chúng tôi thu nhập hạn chế, khó đủ bề… Từ khi trường được mở rộng, tiện nghi, khu vui chơi rất tốt, các cô tận tình, tôi và những công nhân là cha mẹ rất vui mừng”.
Tấm lòng của người mẹ 5 con
Nói về Trường Mầm non 28/7, Phó Chủ tịch Thường trực TLĐLĐVN Trần Thanh Hải nhận định: “Đây là ngôi trường hội tụ những tấm lòng. Ở đây có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương, ngành giáo dục, sự kết nối của tổ chức Công đoàn và đặc biệt là sự hỗ trợ của “Mạnh Thường Quân” để tạo nên ngôi trường dành riêng cho con em CNLĐ”.
Đến đây, có một vấn đề khiến ai cũng thắc mắc: Vậy người hiến gần 20 tỷ là số tiền lên tới cả triệu USD là ai, mà ngôi trường lại không có một tấm biển nho nhỏ ghi tên? Hỏi chuyện mới hay, nhà tài trợ này nhất mực từ chối gắn biển “ghi công”.
Từ sự tò mò này, chúng tôi đã quyết tìm ra “Mạnh Thường Quân” từ chối sự ghi danh. Phải qua rất nhiều lần hẹn gặp, bà Đặng Thị Kim Oanh, người đứng đầu một tập đoàn với nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam, mới mở lòng chia sẻ về câu chuyện.
Bà Oanh kể trước đó thậm chí đã ấp ủ mong ước muốn bỏ tiền ra xây một ngôi trường tặng cho địa phương ngay trên đất của mình. Khi là chủ đầu tư một dự án bất động sản tại phường Mỹ Phước, bà đã trình bày nguyện vọng với địa phương. Tuy nhiên do vướng quy hoạch và quy định pháp luật, không thể bố trí khu đất rộng từ 1 ha trở lên tại dự án để xây trường, nên ý định đó vẫn chỉ ấp ủ.
Cơ duyên đến khi trong một lần làm việc với lãnh đạo Bình Dương và LĐLĐ tỉnh, bà được biết địa phương đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đề đạt ý nguyện xin được tài trợ cho dự án, đề xuất này được địa phương nhiệt tình ủng hộ. Đích thân bà tham gia lên kế hoạch, đốc thúc nhà thầu và dự án triển khai “nhanh như điện xẹt” như người địa phương đã nhận xét ở trên.
Người phụ nữ tiếp tục đưa người nghe đi đến ngạc nhiên khác khi cho hay: “Tôi mới là người phải cảm ơn, vì địa phương đã cho tôi cơ hội được tri ân Bình Dương”.
Bà Oanh kể, nhìn những công nhân quay quắt héo hon nhớ đàn con để lại quê nhờ ông bà trông, lại nhìn thấy hình ảnh của mình 20 năm trước. Năm 1999, sau trận “đại hồng thủy” tàn phá Thừa Thiên – Huế, vợ chồng bà bồng bế 3 con nhỏ rời quê nghèo vào Nam, để lại 2 con nhờ bố mẹ trông. Người phụ nữ 5 con thuê căn nhà 20m2 bán tạp hóa “khởi nghiệp” xứ người, không tiền gửi mẫu giáo nên mẹ bán hàng, con bò lổm ngổm quanh chân.
“Thương mình thương con, cả năm trời đêm nào tôi cũng nằm khóc nhớ con. Mỗi dịp hè con mới được vào thăm một lần, lúc về là khóc khản giọng. Cảnh đẩy con ép lên tàu về quê đi học lại, các cháu vừa khóc bàn tay bé xíu vừa vẫy vẫy qua cửa sổ tạm biệt, cả đời tôi không thể quên. Giá như ngày ấy có nhiều những ngôi trường công, cha mẹ, con cái đã không phải sống những quãng đời chia lìa… ”, bà Oanh kể.
Bà Oanh cho hay, có được như ngày hôm nay, bà không chỉ nợ quê hương thứ hai là đất Bình Dương đã tạo điều kiện cho bà cơ hội phát triển, mà còn nợ các con tuổi thơ thiếu thốn xa cách mẹ cha. “Tôi tâm niệm cuộc đời dù có làm bao nhiêu điều tốt nữa, cũng không trả nổi hết những món nợ ấy. Tôi hỗ trợ xây Trường 28/7 không phải với tư cách doanh nhân, mà với tấm lòng của người mẹ 5 con, tấm lòng của một người con đất Bình Dương. Nếu còn sức, còn khả năng giúp được ai chúng tôi đều dốc lòng dốc sức và không muốn dựng bảng ghi tên lên công trình”.