Theo thông tin trên VTC News, chị P.T.H (34 tuổi, ở Hà Nội) xuất hiện triệu chứng ho, sổ mũi. Nghĩ là cảm cúm thông thường do nằm điều hòa, bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc cúm. Tuy nhiên, sau 6 ngày, tình trạng bệnh không giảm, trái lại còn thêm triệu chứng ho đờm, chảy nước mũi liên tục.
Sang ngày thứ 7, bệnh nhân sốt 39 độ C, người mất sức nhiều, được gia đình đưa đến viện kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A, nhập viện điều trị.
Đến khám ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, anh N.V.M (23 tuổi) kể anh bị ốm từ cuối tuần trước, lúc đầu mệt, đau người, anh tự uống thuốc vào nghỉ ngơi tại nhà. Sau đó, nam bệnh nhân lên cơn sốt cao, mê man, khó tập trung. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh mắc cúm A, chỉ định nhập viện truyền nước và kháng sinh.
Trước tình hình dịch cúm A gia tăng bất thường thời gian gần đây, nhiều người cũng tự ý mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị cúm mà không có chỉ định của bác sĩ.
Liên quan đến vấn đề nói trên, ngày 31/7, cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi các sở y tế, bệnh viện yêu cầu tăng cường giám sát kê đơn, sử dụng thuốc khác virus trong điều trị cúm, theo báo Sài Gòn Giải Phóng.
Theo đó, Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus để điều trị cúm. Cơ sở khám chữa bệnh thực hiện điều trị cúm theo các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của bộ Y tế, chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả, đặc biệt với thuốc kháng virus để điều trị cúm.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua Tamiflu để điều trị cúm do thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng hoặc có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Bệnh nhân cúm A cần lưu ý điều gì?
VTC News dẫn lời của bác sĩ Trần Tiến Tùng – Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm, nếu không bệnh có thể gây biến chứng viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa cơ quan. Bác sĩ Tùng lưu ý người bệnh những điều sau để tránh gặp phải biến chứng có thể xảy ra do cúm:
- Xét nghiệm chẩn đoán cúm
Đây là chỉ số đầu tay và bắt buộc để chẩn đoán chính xác một người mắc cúm hay không, đồng thời mang tính quyết định đối với việc chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Việc chẩn đoám bệnh cúm hiện rất thuận lợi, dễ dàng bằng các chỉ số xét nghiệm. Nếu thấy dấu hiệu của bệnh cúm thì mọi người nên tới cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời.
- Thời gian làm xét nghiệm
Nếu có các dấu hiệu của cúm như ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể thì sau sốt 24 tiếng là thời điểm thích hợp nhất để làm xét nghiệm, từ đó xác định có bị cúm hay không.
- Tuân thủ hướng dẫn, kê đơn
Cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh cần uống thuốc theo đơn bác sĩ hướng dẫn.
- Thời gian khỏi bệnh
Thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày, hết hẳn các triệu chứng sau 1-2 tuần.
- Chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng
Người mắc bệnh cúm nên bổ sung nước do nước giải độc cho cơ thể người bệnh, làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể. Bên cạnh đó, nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà), bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...).
Đồng thời, ăn các loại rau củ quả, thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn, ăn các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi… để tăng cường hệ miễn dịch.