Ông Lưu Trung Thái giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024, thay thế ông Lê Hữu Đức xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Báo Người lao động đưa tin, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố thay đổi loạt nhân sự cấp cao của Ngân hàng.
Theo đó, Thượng tướng Lê Hữu Đức từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 theo nguyện vọng cá nhân và đề xuất của đại hội đồng cổ đông thông qua việc thôi tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024. Người kế nhiệm ông Lê Hữu Đức là ông Lưu Trung Thái.
Từ ngày 12/4, ông Lưu Trung Thái sẽ thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB để đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024.
Ông Lưu Trung Thái sinh năm 1975, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Hawaii ở Mỹ. Ông Thái đã có hơn 26 năm gắn bó, làm việc và nắm giữ các vị trí quan trọng tại MB.
Giai đoạn 2013-2017, ông Thái tham gia thực hiện tái cấu trúc các công ty thành viên, góp phần xây dựng hệ sinh thái tập đoàn tài chính đa năng với 6 công ty thành viên hoạt động an toàn, bền vững. Tháng 1/2017, ông Thái đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MB.
Để bổ sung nhân sự thay thế ông Thái, HĐQT MB giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc.
Ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại Ngân hàng TMCP Quân Đội, ông Phạm Như Ánh đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Khối, phụ trách kinh doanh Khu vực phía Nam đến Thành viên Ban điều hành.
Giai đoạn 2007-2017, với vai trò là Giám đốc một số chi nhánh, ông Phạm Như Ánh đã dẫn dắt các chi nhánh dẫn đầu khu vực miền Trung và miền Nam. Tháng 04/2017, ông Phạm Như Ánh được giao đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Khách hàng lớn (CIB).
Tháng 8/2020, ông Phạm Như Ánh được bổ nhiệm là Thành viên Ban Điều hành, nhận phụ trách quản lý hoạt động kinh doanh các đơn vị tại Khu vực phía Nam và Khối CIB của MB. Các đơn vị này đều tăng trưởng vượt bậc và an toàn, gấp từ 2-5 lần trong 3 năm qua.
Với sự thay đổi các lãnh đạo cao cấp, MB sẽ nhanh chóng thực hiện chiến lược phát triển tập đoàn giai đoạn 2022-2026 với mục tiêu “Top 3 thị trường về hiệu quả, hướng đến Top đầu châu Á”.
Theo Tri thức trực tuyến, MBBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào ngày 25/4 tới đây để bàn về các định hướng kinh doanh năm nay.
Theo tài liệu dự kiến, sau năm 2022 với lợi nhuận tăng trưởng mạnh 38%, đạt 22.729 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại, ban lãnh đạo MBBank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận năm nay với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%, lên 26.100 tỷ đồng.
Nếu hoàn tất kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của MBBank và cũng là năm đầu tiên ngân hàng báo lãi vượt 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, MBBank cũng cho biết trong năm nay, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tham gia nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được cổ đông thông qua trước đó. Ngân hàng cũng sẽ tham gia các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao bắt buộc.
Vân Anh (T/h)