Nhân viên không tham gia chuyến du lịch Cát Bà, công ty cho thôi việc: CĐM tranh cãi kịch liệt

CTV
Trước những ý kiến trái chiều trên, cư dân mạng nói chung và người lao động nói riêng đã đặt ra câu hỏi: “Việc cho nhân viên nghỉ việc vì lý do không tham gia kỳ nghỉ của công ty như vậy liệu có vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động hay không?...".

Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh tờ quyết định nghỉ việc được lãnh đạo ký vào ngày 16/6 vừa qua gây xôn xao. Theo đó, quyết định được “dành” cho các nhân viên từ chối đi du lịch Cát Bà (Hải Phòng) cùng công ty vào ngày 18/6.

Đáng nói, trong tờ quyết định đuổi việc này, công ty nêu rõ lý do, cho rằng nhân viên từ chối tham gia hoạt động, phong trào ngoại khóa là không có tinh thần tập thể, tinh thần gắn kết đồng đội nên không phù hợp với công ty.

Được biết, tờ quyết định cho các nhân viên thôi việc trên là của một công ty bất động sản tại Hà Nội.

Hình ảnh tờ quyết định nghỉ việc được lãnh đạo ký vào ngày 16/6 vừa qua gây xôn xao.

Ngay sau khi được đăng tải, tờ quyết định trên đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng với nhiều ý kiến trái chiều. Một số người khẳng định công ty bất động sản “mạnh tay” như vậy là đúng! Bởi nhân viên làm việc trong công ty cần thích nghi với văn hóa nơi này bằng cách tham gia các hoạt động du lịch, phong trào, sự kiện quan… Qua đó, nhân viên sẽ nhanh chóng hòa động, thắm tình đồng nghiệp với nhau hơn!

Chị Ngọc Lâm Anh bày tỏ quan điểm cá nhân: “Mình nghĩ lãnh đạo công ty này làm như vậy hoàn toàn đúng đắn! Không có người này thì tuyển người mới, chứ hoạt động chung của công ty mà không tham gia là không có tinh thần tập thể rồi! Hơn nữa đây là công ty bất động sản, chủ yếu nhân viên làm môi giới thì việc đi du lịch như thế này một phần sẽ giúp các bạn năng động, học hỏi kỹ năng bán hàng từ đồng nghiệp có doanh số khủng”.

“Nếu mình là lãnh đạo của công ty cũng sẽ cho các nhân viên này thôi việc. Một năm công ty cùng lắm có 2 kỳ nghỉ dành cho các bạn, vậy mà lại không có tinh thần tập thể, tính đoàn kết gì cả? Như vậy là không tôn trọng công ty lẫn các đồng nghiệp của mình”, nickname Lê Thụy bình luận.

Bên cạnh đó không ít người tỏ ra bất bình trước việc sa thải nhân viên của công ty này. Họ cho rằng “chấm dứt hợp đồng lao động” đối với nhân viên vì không đi nghỉ mát là quá vô lý. “Dẫu biết đó là hoạt động tập thể, cần các nhân viên tham gia, song việc đi hay không là quyền của mỗi người. Có thể họ không đăng ký đi vì đã có việc bận vào dịp đó hoặc bận đột xuất.

Đặc biệt, mình nghĩ có thể lần này họ không đi nhưng lần tới sẽ tham gia thì sao? Lãnh đạo thật cứng nhắc”, thành viên Hòa Bình chia sẻ.

Cư dân mạng ý kiến trái chiều. (Ảnh chụp màn hình)

Trước những ý kiến trái chiều trên, cư dân mạng nói chung và người lao động nói riêng đã đặt ra câu hỏi: “Việc cho nhân viên nghỉ việc vì lý do không tham gia kỳ nghỉ của công ty như vậy liệu có vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động hay không? Nếu việc đó không thỏa đáng, công ty có phải bồi thường hay không?...”.

Luật sư Trần Thị Huyền Trân – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo luật định, quan hệ lao động là quan hệ bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, trước khi xác định công ty có vi phạm hay không, cần làm rõ việc giữa công ty và nhân viên có giao kết hợp đồng hay không. Bởi vì thực tế hiện nay trong ngành bất động sản, có nhiều bạn làm việc cho công ty không ký hợp đồng lao động, không hưởng lương cố định mà chỉ tính theo hoa hồng.

Nếu rơi vào trường hợp này, nhân viên đó sẽ gặp khó khăn khi chứng minh quan hệ lao động để sử dụng Bộ luật Lao động bảo vệ quyền lợi cho mình.

“Ngược lại, nếu giữa công ty và nhân viên đó có ký kết Hợp đồng lao động thì việc công ty đơn phương chấp dứt hợp đồng với căn cứ trên là không phù hợp với pháp luật hiện hành.

Theo quy định tại Điều 36 Bộ Luật Lao động 2019 thì những căn cứ để công ty được quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn có thể tóm tắt như sau:

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo Hợp đồng lao động;

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn điều trị liên tục thời gian dài;

- Người lao động tự ý bỏ việc từ 5 ngày trở lên

- Do điều kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, thu hẹp quy mô sản xuất

- Một số trường hợp khác như: đủ tuổi nghỉ hưu, không trở lại làm việc sau thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, cung cấp thông tin không trung thực khi ký hợp đồng lao động.

Đồng thời, khi công ty muốn chấm dứt Hợp đồng lao động khi thuộc một trong những căn cứ trên thì còn phải tuân thủ thời hạn báo trước theo quy định của pháp luật.

Lý do "không có tinh thần tập thể", "không phù hợp với công ty" không thuộc trường hợp Luật định. Do đó, nếu công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 41 Bộ Luật Lao động 2019”, Luật sư Trân nói.