Một người đàn ông ở Úc, Dave Hole, đã phát hiện một viên đá có màu đỏ sẫm, cực kỳ nặng và cứng khi đang dạo chơi trong công viên. Người này cho rằng viên có chứa vàng, vì vậy quyết định mang về nhà. Tuy nhiên, sau khi gửi viên đá đến bảo tàng để kiểm định, anh đã phát hiện ra rằng nó còn quý giá hơn vàng rất nhiều.
Hole vốn là người đam mê dò tìm kho báu bằng máy dò kim loại. Vào năm 2015, khi đang khám phá khu vực công viên Maryborough Regional Park gần Melbourne, anh tìm thấy viên đá nặng gần 40 pound (khoảng 18 kg), với mật độ cực kỳ cao. Vì khu vực này có nguồn vàng, từng có một cơn sốt vàng vào thế kỷ 19, nên anh tin chắc rằng mình đã "nhặt được vàng".
Sau khi mang viên đá về, Hole thử nhiều cách để tách nó ra, từ cưa đá, máy mài góc, khoan, búa, thậm chí là ngâm trong dung dịch axit. Tuy nhiên, viên đá vẫn không hề hấn gì, không hề xuất hiện một vết lõm nào, khiến anh phải thốt lên: "Đây rốt cuộc là cái gì vậy?". Mãi cho đến khi anh mang viên đá đến Bảo tàng Melbourne kiểm định, mới biết đó không phải là vật thể từ Trái Đất, mà là một thiên thạch có niên đại 4.6 tỷ năm.
Nhà địa chất học Dermot Henry đã chia sẻ với The Sydney Morning Herald: "Đây là hình ảnh của sự hình thành hệ Mặt Trời." Ông cho rằng thiên thạch này "rất có thể xuất phát từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, bị va chạm với các tiểu hành tinh khác và bị đẩy ra ngoài, trước khi một ngày nào đó va vào Trái Đất", và dự đoán rằng nó đã đến Trái Đất chưa đầy 200 năm.
Henry cũng cho biết đây là một thiên thạch H5 ordinary chondrite, sau khi xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất, nó đã để lại "vết lõm như thể đã được điêu khắc". Viên thiên thạch này được đặt tên là "Maryborough Meteorite" theo tên khu vực nơi phát hiện ra nó.
Hole rất vui mừng với kết quả này: "Tôi chỉ thử vận may thôi, bạn ạ. Xác suất tìm được thiên thạch như thế này chỉ có 1 trên 100 triệu, thậm chí còn thấp hơn, có thể chỉ 1 trên 1 triệu tỷ".