Tiêu cực do nhập nhèm trong sử dụng giáo viên
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh trẻ mầm non bị một người phụ nữ ở Thái Bình nhét giẻ vào miệng. Theo đó, sau khi bịt miệng cháu bé bằng giẻ, người phụ nữ còn nắm chặt tay chân để bé không giãy giụa, mặc cho bé khóc.
Người phụ nữ trong đoạn clip được xác nhận là em gái ruột của chủ nhóm mầm non tư thục Sao Việt.
Liên quan đến vụ việc, chiều 30/6, Công an tỉnh Thái Bình cho biết đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự “Hành hạ người khác” để điều tra làm rõ hành vi một người phụ nữ ở nhóm trẻ mầm non nhét giẻ vào miệng trẻ, gây bức xúc dư luận.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra các hành vi bạo lực như hành hạ, ngược đãi, đánh đập, gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần của trẻ trong môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non.
Trước việc xuất hiện nhiều nỗi lo tương tự, TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia giáo dục) phân tích: “Nguyên nhân khiến những vụ bạo hành trẻ vẫn xảy ra, xuất phát từ giáo viên thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục, dẫn đến không kiềm chế, kiểm soát được bản thân khi thấy trẻ quấy khóc. Để trở thành một giáo viên mầm non vốn không hề đơn giản, không phải chỉ là người dạy hát, dạy múa cho trẻ, mà đó phải là người hiểu ngôn ngữ của trẻ, đặc biệt là ngôn ngữ của những đứa trẻ còn chưa biết diễn tả thành lời. Nếu không hiểu, không chịu hiểu, thì không thể dạy dỗ, chăm sóc trẻ”.
Trao đổi với PV, bà Võ Thị Phượng (Trưởng phòng Giáo dục mầm non, sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk) cũng bày tỏ: “Những sự việc trên liên quan đến nhận thức và đạo đức nghề nghiệp của một số giáo viên. Có thể nhận thấy nhiều sự việc xảy ra ở các trường tư thục mà đặc biệt là ở các nhóm lớp. Với các trường tư thục hoạt động bài bản, quy củ, thường cũng theo sự quản lý như các trường công lập, có sự sâu sát, giám sát chặt chẽ hơn. Còn đối với nhóm lớp, chỉ có chủ nhóm mở ra rồi thuê giáo viên mà không có sự giám sát chặt chẽ thì dễ xảy ra những sự cố”.
“Tôi còn được biết, ở một số nhóm lớp tại một số nơi, đôi khi, người quản lý còn đứng lớp thay giáo viên. Trong khi người quản lý thường chỉ có tư duy và năng lực quản lý, không đủ năng lực trình độ, chuyên môn dạy trẻ theo quy định. Do tình trạng thiếu giáo viên nên họ nhập nhèm như vậy.
Thậm chí, ở một số nhóm lớp khi mới thành lập, được các cơ quan kiểm tra, rà soát có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng; nhưng sau một thời gian, giáo viên đó đã nghỉ việc, thì việc tuyển bổ sung giáo viên mới chưa chắc đã đáp ứng được về chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp. Nếu không được kiểm tra thường xuyên thì sẽ không thể kịp thời phát hiện”, bà Võ Thị Phượng nhấn mạnh.
Liệu có thẩm định trước khi cấp phép?
Đó là quan điểm của ĐBQH Tạ Văn Hạ (Ủy viên Thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội) trước vụ việc trên.
Theo ông, trước tiên, phải xác định trách nhiệm của cá nhân người thực hiện hành vi bạo hành và nhóm trẻ: “Hành động đáng lên án trên lại xảy ra trong môi trường đáng lẽ phải làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, khiến dư luận càng thêm bất bình, phẫn nộ. Tại sao người phụ trách nhóm trẻ lại giao công việc này cho một người không được đào tạo gì, chưa phải là giáo viên mầm non?
Mặc dù vậy, cá nhân này cũng phải có nghĩa vụ chăm sóc và giáo dục trẻ, vậy mà lại có hành vi bạo hành như vậy, đây là chuyện cần phải xem xét, phải chăng, một bộ phận thanh niên đang có những biểu hiện lệch chuẩn cả về tâm lý, hành vi, đạo đức... Kế đến, chủ nhóm trẻ càng cần có trách nhiệm hơn. Khi thành lập nhóm trẻ, tức là đã lựa chọn kinh doanh dịch vụ về giáo dục, đồng nghĩa với việc phải tìm hiểu kỹ thông tin, quy định và đảm bảo vận hành chất lượng.
Tuy nhiên, không thể không kể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, liệu có thẩm định trước khi cấp phép? Nếu các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra thì sẽ kịp thời phát hiện và có hình thức xử lý, không thể xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy”.
Bên cạnh đó, ĐBQH Tạ Văn Hạ cũng cho rằng: “Điều đó cho thấy nhu cầu chăm sóc trẻ mầm non chưa được Nhà nước quan tâm đúng mực, trong khi 1.000 ngày đầu đời của trẻ là quan trọng nhất, vừa là giai đoạn hoàn thiện thể chất vừa hình thành nhân cách.
Hiện nay, mặc dù nhu cầu gửi trẻ là rất lớn, nhưng điều kiện để cho trẻ đến lớp lại chưa đủ, nhất là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp,... trở thành lỗ hổng cho những nhóm trẻ mọc lên không kiểm soát, dẫn đến những hành vi bạo hành, cực kỳ nguy hại đối với thế hệ mầm non".
Đồng tình với quan điểm trên, bà Võ Thị Phượng cũng cho rằng: “Đối với quy định giao các cơ sở mầm non tư thục cho các trường mầm non công lập trên địa bàn đồng quản lý, cũng cần có những cơ chế để tăng trách nhiệm. Bản thân một cơ sở giáo dục mầm non hoạt động độc lập đã không hề dễ dàng, nếu phải tải thêm hoạt động của cơ sở tư thục thì sẽ rất khó để đảm bảo chất lượng cả hai phía”.
Phân tích ở một góc độ khác, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) lại cho biết: “Pháp luật có đầy đủ các quy định, chế tài đối với các trường hợp giáo viên bạo hành trẻ. Tuy nhiên, để phòng ngừa và hạn chế sự việc đáng tiếc như trên xảy ra, cần thiết phải có sự phối hợp quản lý chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Cán bộ quản lý nhà trường nên kiểm tra, theo dõi thường xuyên hoạt động dạy và chăm sóc các bé ở lớp, tránh tình trạng giáo viên lạm quyền, có các hành vi vi phạm chuẩn mực ảnh hưởng đến trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước.
Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều cơ sở giáo dục trẻ em mầm non còn tùy tiện, nhiều giáo viên thiếu trình độ chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức, thiếu nhiệt huyết và tình yêu với các bé, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc cũng như giáo dục trẻ.
Đồng thời, mỗi người dân trong xã hội cần kịp thời lên tiếng bảo vệ trẻ khi phát hiện hành vi xâm hại đến thể chất, tinh thần trẻ em, không chỉ ở các cơ sở giáo dục mà còn ở ngoài nhà trường và trong xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định chặt chẽ hơn trong việc cho phép thành lập các cơ sở mầm non, nhận giữ trẻ. Đảm bảo trẻ em được chăm sóc và giáo dục trong môi trường tốt nhất để có thể phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, xứng đáng là mầm non tương lai của đất nước”.
Trao đổi trực tiếp liên quan đến vụ việc bạo hành tại Thái Bình, luật sư Nguyễn Cao Đạt cho biết: “Hành vi của cô gái nhét giẻ vào miệng trẻ xảy ra tại nhóm lớp mầm non Sao Việt đã vi phạm điều cấm của pháp luật.
Theo khoản 3, Điều 6 Luật trẻ em 2016 có quy định rõ: Hành vi bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm. Và tại Khoản 6, Điều 4 của Luật này cũng nêu: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Theo đó, cô gái này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 - 10 triệu đồng theo Khoản 2 Điều 27, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013. Bên cạnh đó, cô còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức hình phạt có thể lên tới 03 năm tù.
Ngoài ra, gia đình có con em bị hành hạ có thể yêu cầu nhóm lớp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe, tinh thần của con bị xâm phạm, căn cứ theo quy định tại các Điều 584, Điều 585, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 khi phát hiện con cái mình là nạn nhân của các hành vi bạo hành, ngược đãi. Khoản bồi thường sẽ bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Theo quy định tại thông tư số: 52/2020/TT-BGDĐT quy định về “Điều lệ trường mầm non” do bộ GD&ĐT ban hành, Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường, nhà trẻ.
Như vậy, trước sự việc xảy ra tại trường mầm non Sao Việt, chủ nhóm trẻ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhóm mầm non tư thục Sao Việt có thể bị xử phạt vi phạm hành chính khi để cho cô gái bạo hành trẻ, với mức phạt tiền lên tới 10 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP”