Nhiều chỉ số biến động đáng kể, CTCP FECON (HoSE: FCN) lần đầu thua lỗ sau 15 năm

Kết thúc quý IV/2023, CTCP FECON (HoSE: FCN) báo cáo lỗ ròng 44,7 tỷ đồng, lũy kế cả năm lỗ 43,1 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp làm ăn thua lỗ sau 15 năm, kể từ năm 2008.

Lần đầu thua lỗ kể từ khi được niêm yết

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, FCN ghi nhận doanh thu thuần 1,04 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 891,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp công ty thu về đạt 157,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ 60,3 tỷ đồng, tức tăng tới 161%. Điều này đã cho thấy sự phục hồi phần nào của mảng xây dựng, lĩnh vực mà FCN đang hoạt động chủ yếu.

So với quý IV/2022, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 130,6 tỷ đồng còn âm 259,2 triệu đồng; chi phí tài chính cũng tăng từ 72,08 tỷ đồng lên 101,6 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022 và dư nợ vay tăng.

Vì lí do trên, dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm lần lượt 14% và 4%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của FCN vẫn ghi nhận con số âm 20,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 39,02 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của FCN trong quý IV/2023. Nguồn: BCTC

Trừ đi khoản lỗ 3,7 tỷ đồng lợi nhuận khác và thuế thu nhập doanh nghiệp, FCN báo cáo lỗ ròng 44,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 49,5 tỷ đồng. Chỉ riêng quý IV/2023 sa sút đã kéo theo kết quả kinh doanh không mấy khả quan cho FCN trong cả năm 2023.

Lý giải nguyên nhân, FCN cho rằng chủ yếu do chi phí lãi vay tăng, đồng thời trong quý IV/2022, công ty ghi nhận doanh thu tài chính từ bán dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 và thu nhập từ hợp đồng hợp tác sử dung chung đường dây truyền tải điện nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Vậy nên dù quý IV/2023 doanh thu và lợi nhuận tăng tương đối song vẫn chưa đủ để bù lại khoản chênh lệch lợi nhuận so với quý IV/2022.

Lũy kế đến cuối năm 2023, công ty đạt 2,8 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, lỗ ròng tới 43,1 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên công ty làm ăn thua lỗ kể từ khi được niêm yết vào năm 2012, hay xa hơn là từ năm 2008, cũng như tiếp tục gây thất vọng cho cổ đông FCN khi lãi liên tục giảm kể từ năm 2018. Với kết quả này, FCN chỉ hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu đề ra trong năm.

Kết quả kinh doanh của FCN giai đoạn 2020 – 2023.

Tổng nợ tăng cao, nhiều chỉ số biến động đáng kể

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của FCN ở mức 8,7 nghìn tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 6,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 72%), còn lại là 2,4 nghìn tỷ đồng tài sản dài hạn. Nổi bật trong đây là các khoản phải thu ngắn hạn 3,8 nghìn tỷ đồng, hàng tồn kho 1,6 nghìn tỷ đồng và tài sản cố định 1,7 nghìn tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng từ hơn 4 nghìn tỷ đồng đầu năm lên đến 5,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm gần 80%, tương đương 4,3 nghìn tỷ đồng. ‘

Đáng chú ý là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng tốt biến gần 870 tỷ đồng lên mức 1,1 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên không được thuyết minh cụ thể. Cộng với việc tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp 4 lần so với số đầu năm khi ghi nhận hơn 700 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FCN nhờ đó dương 409,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 202,8 tỷ đồng.

Một số biến động đáng kể khác có thể nhắc đến như trả trước cho người bán ngắn hạn tăng từ 235,6 tỷ đồng lên 676,2 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh tăng gấp đôi số đầu năm lên mức 329,1 tỷ đồng…

Cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của FCN đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 123 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp ở mức 8,7 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính quý IV/2023, trong năm 2023, cơ cấu công ty con của FCN cũng có một số sự thay đổi như CTCP Địa kỹ thuật tiên tiến Raito – FECON từ vị trí công ty liên doanh, liên kết nay đã là một trong số những công ty con được hợp nhất; hay những cái tên mới như CTCP FECON Hiệp Hòa, CTCP FECON Phổ Yên… Theo chiều ngược lại, công ty TNHH MTV Nguồn nhân lực FECON đã không còn nằm trong danh sách.

Trước đó, qua Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 06/02/2024, FCN đã lên lịch chi gần 79 tỷ đồng cổ tức năm 2022, sau khoảng thời gian chậm trả do hoạt động kinh doanh và cân đối thu chi khó khăn.

Tuy nhiên, cổ đông phải đợi đến cuối năm 2024 mới nhận được phần lớn lượng tiền này. Cụ thể, FCN sẽ không thực hiện trả một lần duy nhất, mà thay vào đó chia làm 2 đợt, lần lượt vào ngày 29/03/2024 thanh toán phần tỷ lệ 1% và tháng 12/2024 (dự kiến) sẽ thanh toán 4% còn lại.

Nhiều lần sử dụng hợp đồng, cổ phần làm tài sản bảo đảm

Trong năm 2023, FCN đã có nhiều lần sử dụng cổ phần, quyền tài sản phát sinh, các khoản phải thu/quyền đòi nợ, máy móc, thiết bị… để làm tài sản bảo đảm để vay vốn.

Đơn cử như hợp đồng số 1653117.23 ngày 19/09/2023 tại ngân hàng VIB, tài sản bảo đảm là toàn bộ khoản phải thu/quyền đòi nợ theo Hợp đồng số 0108/2023/HĐXD/TC-FECON ký ngày 01/08/2023 giữa công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính và FCN. Đây là hợp đồng cho “gói thầu số 15: Thi công xây dựng và thiết bị” thuộc dự án Đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Hay như hợp đồng số 3110/2023/HĐQLTSBĐ/FCN-PSI ngày 31/10/2023 tại CTCP Chứng khoán dầu khí, tài sản bảo đảm là các cổ phần đang lưu hành của CTCP Đầu tư Fecon (Bảy triệu cổ phần), CTCP Công trình ngầm Fecon Raito (Mười lăm triệu, sáu trăm linh bốn nghìn cổ phần) và CTCP Fecon South (Mười triệu, hai trăm bảy mươi chín nghìn cổ phần) với mệnh giá 10.000 VNĐ/cổ phần. Đây đều là các công ty thuộc sở hữu của FCN. Các cổ phần này không phải là chứng khoán đã được đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, có thể kể đến hợp đồng số 4175643.23 ngày 13/11/2023 tại ngân hàng VIB. FCN đã dùng Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 0611/2023/HĐTC/CT2-FECON ký ngày 03/11/2023 với Công ty Cổ phần Bất động sản CT2 để làm tài sản bảo đảm. Đây là hợp đồng cho việc “Thi công kết cấu phần thân, hoàn thiện, nội thất và cảnh quan” thuộc công trình “Tòa nhà CT2 thuộc dự án Khu nhà ở và khu thể thao, vui chơi giải trí Tư Đình” nằm trên quận Long Biên, Hà Nội.

Được biết, CTCP FECON (HoSE: FCN) có tiền thân là CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON được thành lập vào năm 2004. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình. FCN chính thức niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ tháng 7/2012.