Thông báo 288/TB-VPCP ngày 19/9/2022 kết luận của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Phiên họp thứ 17 nêu rõ, trong nước, dịch Covid-19 đang được kiểm soát; tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường do: virus biến đổi, xuất hiện các biến thể mới; hiệu lực bảo vệ của vắc-xin suy giảm theo thời gian; các dịch bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa có xu hướng gia tăng dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch; có tâm lý lơ là, chủ quan ở một bộ phận người dân và chính quyền một số địa phương; tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt các quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; vắc-xin là biện pháp chiến lược, quan trọng trong phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 19/9, vẫn còn một số địa phương có tỉ lệ thấp so với kế hoạch đề ra đối với mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và các mũi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ tiêm mũi 3 trên cả nước đạt 77,4% (với tổng số 50.466.417 mũi tiêm). Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 cao, đạt trên 97%, gồm: Nghệ An (99,5%), Bắc Giang (98,1%), Sóc Trăng (97,7%). Các địa phương đang có tỉ lệ tiêm mũi 3 thấp so với cả nước gồm: Bình Phước (59,5%), Đồng Tháp (59,2%), Bình Định (58,2%), Khánh Hòa (55,6%), Đồng Nai (53%).
Với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt 57%. Các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp, gồm: Cao Bằng (33,9%), Bình Thuận (33,7%), Đồng Nai (29,2%), Phú Yên (21,4%), Bà Rịa-Vũng Tàu (16%).
Nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 88,1% (với tổng số mũi tiêm là 16.429.227). Các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp so với cả nước gồm: Bình Dương (76,1%), Quảng Trị (74,2%), Bà Rịa-Vũng Tàu (70,8%), Đà Nẵng (64,7%), Tp.HCM (62,4%).
Đối với mũi 2 ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉ lệ tiêm đạt 60,1%. Tuy nhiên vẫn có địa phương có tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ chung của cả nước gồm: Bình Thuận (43,6%), Bà Rịa-Vũng Tàu (41%), Tp.HCM (34,9%), Đà Nẵng (26,6%), Quảng Nam (25,6%). Các địa phương có tỉ lệ tiêm cao gồm: Sóc Trăng (98,4%), Bắc Giang (93,5%), Cà Mau (92,4%).
Do đó, tại Thông báo 288/TB-VPCP, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã đề ra, hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vắc-xin để khẩn trương có biện pháp khắc phục.
Bộ Y tế có trách nhiệm tiếp tục bảo đảm cung ứng phân bổ đầy đủ, kịp thời vắc-xin phòng Covid-19 theo nhu cầu của địa phương, không để thiếu vắc-xin; rà soát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin; cùng với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vắc-xin; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn hóa số liệu tiêm chủng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vắc-xin để hoàn thành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, học sinh.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế thông tin thêm, thời gian gần đây, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19, cụ thể là tiêm liều tăng cường, đang được chú trọng tại nhiều quốc gia, trong đó EU, Anh và Mỹ đều đã cấp phép sử dụng các loại vắc-xin có hiệu quả với virus gốc và biến thể Omicron để chuẩn bị cho các chiến dịch tiêm mũi tăng cường vào mùa đông.
Tại Mỹ, có một số nhận định, lần gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng vì dịch Covid-19 dự kiến vào giữa tháng 10 tới có thể sẽ là lần cuối Mỹ phải áp dụng biện pháp này. Việc tiêm nhắc lại vắc-xin hàng năm sẽ tăng khả năng miễn dịch, đủ để đưa Mỹ trở lại trạng thái bình thường.
Ngày 17/9, Chính phủ Brazil cũng cho biết, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia (Anvisa) đã phê duyệt sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Vắc-xin này có sẵn ở Brazil và đang được sử dụng để tiêm phòng cho người lớn. Được biết, theo trang Our World in Data (chuyên thu thập số liệu chính thức từ các chính phủ trên toàn thế giới) tỉ lệ tiêm chủng của Brazil thuộc hàng cao nhất thế giới, với gần 90% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi.