Nhiều trường đại học ứng phó với Covid-19 bằng giảng dạy, học tập trực tuyến hiệu quả

Thời điểm dịch bệnh do Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM đã chủ động tìm phương án học tập mới ứng phó với dịch bệnh.

Chỉ cần smart phone để học

Ngày 2/3, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, từ ngày 17/02 Hiệu trưởng nhà trường chính thức quyết định áp dụng hình thức giảng dạy - học tập trực tuyến (E-learning) thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS-BUH) trong tình hình dịch bệnh do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo ông Trung, trải qua gần 02 tuần triển khai, đã có hơn 1.100 lớp học phần của tất cả các bậc, hệ đào tạo của nhà trường áp dụng giảng dạy trực tuyến.

Theo đó, hệ thống giảng dạy – học tập trực tuyến đã vận hành một cách tương đối hiệu quả và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giảng viên và người học.

Sinh viên tự học bài mùa dịch Covid-19.
Sinh viên tự học bài mùa dịch Covid-19.

Cũng theo ông Trung, việc trường phát triển một số Module tích hợp kết nối giữa phần mềm quản lý đào tạo tín chỉ với hệ thống LMS-BUH, đồng bộ dữ liệu sinh viên, giảng viên để triển khai mô hình đào tạo kết hợp được thuận lợi và dễ dàng.

Với việc lựa chọn phiên bản Moodle mới nhất, sinh viên có thể truy cập hệ thống LMS trên máy tính, điện thoại Smartphone và ứng dụng trên 2 nền tảng Androi và IOS.

Mỗi lớp học phần trên thực tế sẽ có một khóa học tương ứng trên hệ thống học tập trực tuyến để sinh viên và giảng viên tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập trao đổi, thực hiện kiểm tra thông qua hệ thống học tập trực tuyến này.

“Với hệ thống LMS – BUH, toàn bộ giảng viên đã thực hiện đưa bài giảng, bài tập, câu hỏi kiểm tra kiến thức, bài tập tự luận, tạo nhóm sinh hoạt cho sinh viên, tạo diễn đàn cho khoá học để sinh viên và giảng viên hỏi đáp trao đổi kiến thức.

Đồng thời, toàn bộ giảng viên và các lớp học phần đã tổ chức giảng dạy online face-to-face thông qua ứng dụng Zoom meeting, giảng viên và sinh viên có thể tương tác trực tiếp như: Giảng bài, thuyết trình, trao đổi, hỏi đáp, thảo luận như trên lớp học truyền thống”, ông Trung chia sẻ.

Đồng quan điểm học trực tuyến để không chậm tiến độ, TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường đại học Lạc Hồng khẳng định: “Với diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, việc học trực tuyến sẽ giúp các trường không bị chậm tiến độ học tập của sinh viên.

Tuy nhiên, để làm được điều đó các trường cần phải chuẩn bị từ trước, và bài bản thì mới vận dụng hiệu quả trong đợt dịch này.

Tại trường chúng tôi, phần mềm quản lý trên hệ thống để theo dõi tiến độ học tập của sinh viên, chấm điểm báo cáo, điểm học phần…rất thuận lợi cho người dạy và người học”.

Theo TS Vũ Quỳnh, trường đại học Lạc Hồng đã dạy trực tuyến cho khoa Công nghệ thông tin và khoa Cơ Điện-Điện tử được 2 năm nay rất hiệu quả. Còn các khoa khác mới triển khai nên mới đưa lên theo từng tuần.

Với việc triển khai kế hoạch học tập trực tuyến, trường sẽ kiểm soát được việc sinh viên nào học, sinh viên nào nghỉ học. Và, trường cũng không phải chịu áp lực về thời gian do nghỉ dịch bệnh.

v
Phần mềm học trực tuyến hiệu quả tại trường đại học Ngân hàng TP.HCM.

Khó áp dụng cho trường có nhiều môn thực hành

Với đặc thù của những môn học đòi hỏi thực hành, hiện nay việc học tập trực tuyến đang khó khăn tại nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM.

Chia sẻ với PV, đại diện trường đại học Công nghiệp TP.HCM khẳng định: “Hiện nay, trường đại học Công nghiệp thu hút hàng chục ngàn sinh viên đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, hơn nữa, với đặc điểm có nhiều môn học bắt buộc sinh viên phải học thực hành thì chuyện triển khai kế hoạch học tập trực tuyến đột xuất nhằm phòng chống dịch bệnh là chưa khả thi.

Thứ nhất, những sinh viên đến từ vùng sâu, vùng xa sẽ khó có điều kiện kết nối mạng internet để học. Thứ 2, với kiến thức môn thực hành, bắt buộc các em phải tự tay thực hành thì mới hiểu kiến thức. Thứ 3, kế hoạch học tập trực tuyến phải được chuẩn bị trước đó…”

Trao đổi với PV, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho biết: “Theo tôi, dạy trực tuyến là công cụ hỗ trợ rất tốt cho trường và cho người học.

Từ 5 năm nay, tôi đã triển khai chương trình giảng dạy trực tuyến rất hiệu quả, được bộ Y tế khen. Trong đợt dịch Covid-19 này, nhà trường có yêu cầu giảng viên đưa bài giảng lên để dạy trực tuyến, nhưng quy mô chưa lớn.

Tuy nhiên, với đặc thù của ngành y, đòi hỏi học viên, sinh viên phải thực hành nên dịp nghỉ dài ngày, vì dịch Covid-19 chắc chắn ảnh hưởng việc dạy và học tại trường.

Nhất là những môn bắt buộc, thì người học phải học môn này xong mới được học môn khác.

Việc thực hành là cực kỳ quan trọng, nhất là những môn đòi hỏi về kỹ năng lâm sàng. Với những trường có nhiều môn học thực hành, thì học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn được, mà nó chỉ là công cụ hỗ trợ”.