Nhọc nhằn mưu sinh những ngày đầu đông

Thời tiết chuyển mưa rét khiến cuộc sống mưu sinh của những người phụ nữ này vất vả hơn ngày thường...

Chị Nguyễn Thị Thuỷ (46 tuổi) ở huyện Đan Phượng, nhân viên vệ sinh môi trường ở quận Cầu Giấy cho hay: "Ngày hôm nay đặc biệt lạnh và rét mướt hơn mấy hôm trước, vì ca làm việc của tôi bắt đầu từ 3h chiều đến 1h sáng hôm sau nên nhiệt độ có thể giảm sâu vào buổi tối, tôi chỉ biết chuẩn bị cho mình thật nhiều áo khoác để chống chọi với giá rét".

Đặc biệt, chị chia sẻ, sau ngày lễ 20/10, công việc của chị cực nhọc hơn những ngày thường bởi lượng rác thải ra nhiều hơn, nhất là ở các khu vực phố xá đông dân cư, khu bán hoa, các nhà hàng... Cuộc sống gia đình vất vả, còn phải lo cái ăn, cái mặc nên dù rét buốt thì chị chỉ dặn lòng cố gắng quên đi cái lạnh mà hoàn thành tốt công việc của mình.

img0200 Nhân viên vệ sinh môi trường chính là những anh hùng thầm lặng, giữ gìn mỹ quan đô thị và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình. (Ảnh: Hương Giang)

Chị trải lòng thêm, do công việc lao công thu nhập thấp, để kiếm thêm tiền chi trả cho cuộc sống hằng ngày, chị cũng cố gắng làm thêm hai ba công việc khác nhau. Trước khi ca làm việc buổi chiều của chị bắt đầu, buổi sáng chị tranh thủ làm cùng lúc hai việc chạy xe ôm và shipper. Vì ngày hôm nay gió mùa về, có nhiều người ngại mưa gió nên họ bắt xe ôm nhiều hơn, nhờ vậy mà chị cũng kiếm thêm được nhiều hơn các hôm khác.

Khi được hỏi chị đã sắm sửa thêm những gì trong mùa đông này, chị chỉ cười và nói: "Nếu mà mình giàu có thì mới nghĩ đến việc mua thêm cái này cái kia, chứ khi mà vẫn đang phải vật lộn kiếm sống để chi trả hoá đơn hằng ngày thì những cái đó với tôi xa vời lắm, mùa đông này chắc tôi chỉ mặc lại những bộ quần áo cũ để có thể đủ ấm mà làm việc thôi."

img0206  Bận bịu liên tục với khách đến mua rau, với người phụ nữ này mùa đông càng làm cho họ buôn bán khó khăn hơn. (Ảnh: Hương Giang)

Bác Phạm Thị Phương (quê Thanh Hoá) năm nay đã ngoài 60 tuổi. Bác bán hàng rau ở chợ cóc ngõ Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) ngót nghét đã 25 năm. Theo bác Phương, mùa đông với bác cũng như bao mùa bình thường khác và thậm chí còn khó khăn hơn khi phải chống chọi với điều kiện thời tiết lạnh giá, đôi khi kèm thêm cả mưa, để mưu sinh kiếm sống mỗi ngày. Ngoài ra, vì trời càng lạnh thì khách hàng sẽ càng có xu hướng vào siêu thị mua đồ hơn, điều này có ảnh hưởng không ít đến những người bán rau ở chợ như bác.

Bác chia sẻ, trước khi làm công việc này bác đã làm công nhân trong một khoảng thời gian dài, một mình chịu đựng gánh nặng nuôi 4 miệng ăn. Khi sức khoẻ dần kiệt quệ, bác từ bỏ công việc công nhân và lên Hà Nội ở trọ, may mắn tìm thuê được một hàng rào bên hông của một căn nhà và từ đó bán hàng rau ở đây. Khách mua hàng của bác thường là những người dân sinh sống xung quanh. Theo lời của họ, hàng ngày bác thường mở hàng vào lúc 6h sáng và bán đến 8h tối là về, bất kể trời nắng hay mưa.

“Thấy những người khách nữ nói chuyện về việc sắm sửa quần áo mới khi mùa đông tới, tôi nghĩ cũng tủi thân, nhưng nghĩ đến ngoài kia còn nhiều người có số phận đáng thương hơn mình. Mình đã may mắn hơn người ta là mỗi ngày có thu nhập ổn định để chi trả cuộc sống, con cái đủ ăn, đủ mặc, thế là một niềm hạnh phúc đối với tôi rồi”, bác Phương bộc bạch.

Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà những người phụ nữ đang phải bươn chải cuộc sống đôi khi quên việc phải nghĩ cho bản thân. Đối với họ, mối quan tâm duy nhất mà họ có thể nghĩ tới là hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền để đem về lo cho gia đình.