Những áp lực vô hình

Một cô giáo bị cả lớp học sinh dồn vào góc tường cùng lời lẽ xúc phạm, chuyện đúng - sai chưa ngã ngũ nhưng dư luận đau xót bởi sự việc hi hữu phản giáo dục ngay chính trong môi trường giáo dục. Có lẽ, quả sẽ rất ngọt nếu ta luôn yêu thương và biết cảm thông…

Tối 4/12, mạng xã hội lan truyền đoạn video chưa đến 2 phút ghi lại hình ảnh một giáo viên bị học sinh nam dồn vào góc tường, có hành động khiêu khích, xúc phạm. Theo tìm hiểu, sự việc xảy ra tại một lớp học của Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang).

co-giao-h-bi-nhom-hoc-sinh-truong-thcs-van-phu-tuyen-quang-don-vao-goc-tuong-buong-loi-xuc-pham-1701946095.jpg

Cô giáo H bị nhóm học sinh trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) dồn vào góc tường, buông lời xúc phạm. (Ảnh cắt từ clip)

Với vai trò là một người công tác trong ngành giáo dục, cô Phạm Thị Vân - giáo viên trường THPT Lý Thường Kiệt, Hải Phòng đã có những chia sẻ thật lòng: “Trong xã hội ngày nay, ngoài trách nhiệm làm sao để dạy tốt và hoàn thành nhiệm vụ, các thầy cô đến trường còn đối mặt với rất nhiều áp lực vô hình. Đó là những khó khăn đến từ đặc thù công việc, những đổi mới trong chương trình giáo dục và định kiến xã hội. Bên cạnh đó, thời gian làm việc kéo dài trong khi thu nhập thực sự vẫn còn nhiều hạn chế.”

Những sức ép cả về vật chất lẫn tinh thần đó khiến người giáo viên có thể trong một khoảnh khắc nào đó, đã không làm chủ được cảm xúc của mình. Trong xã hội ngày nay, công nghệ thông tin phát triển đã đem lại nhiều thời cơ nhưng cũng có những thách thức cho ngành Giáo dục. Đối mặt với những vấn đề nảy sinh chốn học đường, giáo viên cần có cách xử lý khéo léo để hóa giải những hiểu lầm của học sinh.

“Ai đã từng đứng lớp, đã từng gặp những em học sinh cá biệt thì mới thấy hết nỗi vất vả, nhọc nhằn trong việc giảng dạy, bảo ban các em. Nhưng có lẽ, quả sẽ rất ngọt nếu ta luôn yêu thương và biết cảm thông để chỉ ra cái sai, cái chưa đúng mà các em đã phạm phải, rồi cùng nhau khắc phục bằng sự bao dung rộng lượng của bậc làm cha mẹ”, cô Vân chia sẻ thêm.

Khâu xử lý khủng hoảng truyền thông trong giáo dục cũng cần được các nhà trường lưu ý. Khi tình huống xảy ra, chúng ta cần giải quyết dứt điểm vấn đề trên cơ sở hài hòa giữa các bên chứ không nên giấu giếm. Nếu xử lý không khéo, câu chuyện sẽ bị đẩy đi quá xa và ảnh hưởng tới uy tín của ngành Giáo dục.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13, công tác giáo dục đạo đức cho giáo viên và học sinh ở mỗi nhà trường là vô cùng quan trọng. 

Bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Vụ việc tiêu cực như này xảy ra, dù bất luận thế nào thì cũng là hành vi vô đạo đức. Chất lượng giáo dục bao giờ cũng phải phụ thuộc từ cả hai phía, thắt chặt trong mối quan hệ  giữa thầy và trò. Đây là vấn đề đạo đức và phẩm chất con người.”
 

pgsts-bui-thi-an-nguyen-dai-bieu-quoc-hoi-vien-truong-vien-tai-nguyen-moi-truong-va-phat-trien-cong-dong-1701945885.jpg

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng

“Chúng ta cần siết chặt kỷ cương trường học và chú trọng công tác giáo dục đạo đức, giải quyết triệt để những mâu thuẫn học đường”, PGS.TS Bùi Thị An trao đổi thêm.

“Bên cạnh đó, năng lực ứng xử các tình huống sư phạm của giáo viên ở mỗi nhà trường là vô cùng cần thiết. Điều gì khiến học sinh không biết điểm dừng và ngang nhiên hành động đến mức độ không thể chấp nhận đến vậy? Tại sao cô giáo không tìm kiếm sự trợ giúp từ bảo vệ nhà trường, hoặc đồng nghiệp, ban giám hiệu mà chỉ cầm điện thoại quay lại học sinh? Câu hỏi đặt ra để chúng ta nhìn thấu đáo hơn sự việc đã khiến dư luận dậy sóng.

Nguồn cơn của mọi sự bức xúc đều xuất phát từ những mâu thuẫn, áp lực bị dồn tụ lâu ngày không được giải quyết triệt để. Kỹ năng ứng xử sư phạm cùng việc tăng cường giáo dục về kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh ngày càng cấp thiết hơn. Nếu học trò có những bức xúc thì cần được thầy cô lắng nghe, giải quyết dứt điểm, từ đó mới xây dựng được mối quan hệ thầy trò hài hòa, môi trường học đường mới thực sự lành mạnh”, bà An chia sẻ thêm.

Khánh Xuân