Những bức ảnh hiếm hoi thời đi học ở Mỹ của tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

Trong khi các quan chức và chính khách tại Nhật Bản thường xuất thân từ Đại học Tokyo danh giá, ông Kishida là người hiếm hoi trượt đại học này đến 3 lần.

Ngày 4/10 (giờ địa phương), ông Fumio Kishida đã chính thức được bầu làm tân Thủ tướng Nhật Bản kế vị người tiền nhiệm Suga Yoshihide. Hồi tuần trước, ông Kishida đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tân lãnh đạo của đảng Lao động Tự do (LDP). 

Mặc dù tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là một người có uy tín trong đảng cầm quyền nhưng ông vẫn phải "vật lộn" để có thể kết nối với công chúng.

Ông Fumio Kishida, 64 tuổi, đã kêu gọi các chính sách kinh tế sẽ phân phối nhiều của cải hơn cho tầng lớp trung lưu. Ông viết rằng mình đã trải qua một phần thời thơ ấu ở Mỹ, việc này truyền cho ông lý tưởng công bằng và đa dạng.

Thông điệp của ông khi tranh cử không gây được tiếng vang lớn công chúng Nhật Bản nhưng đủ để giúp ông giành được quyền lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do. Bố và ông nội của ông Kishida đều từng là thành viên của Hạ viện Nhật Bản. Năm 1993, ông đã tranh cử thành công chiếc ghế nghị sĩ ở Hiroshima mà bố ông trước đó đã nắm giữ.

thoi di hoc o my cua tan thu tuong nhat ban fumio kishida5

Tân thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại trụ sở của Đảng Dân chủ Tự do. Ảnh: Du Xiaoyi.

Ông Kishida sẽ tiếp tục trở thành người ủng hộ đảng cầm quyền của Nhật Bản và là ngoại trưởng tại vị lâu nhất trong lịch sử sau Thế chiến thứ 2 của đất nước. Tân Thủ tướng Nhật Bản được biết đến là một người ôn hòa không đối kháng, người nắm giữ sự tin tưởng của nhiều người trong đảng. Tuy nhiên, trong một hệ thống chính trị coi trọng sự phù hợp, ông Kishida đã tìm cách để thể hiện sự khác biệt của mình với người tiền nhiệm Yoshihide Suga.

Trải nghiệm quý giá khi học tại Mỹ

Trên đường vận động tranh cử, ông Kishida mang theo một loạt sổ ghi chép, trong đó ông tiết lộ mình đã ghi lại những ghi chú và quan sát từ những người mà ông đã gặp khi đi du lịch tại các quốc gia. Ông gọi những cuốn sổ này là “kho báu lớn nhất" của mình. 

Ông Kishida tiết lộ ông cảm thấy ý thức mạnh mẽ về công lý, được phát triển từ những trải nghiệm trong thời thơ ấu khi ông ở Mỹ.

Năm 1963, bố của ông, khi đó là một quan chức ngoại giao của chính phủ, được bổ nhiệm vào một vị trí ở New York. Gia đình chuyển chỗ ở, ông Kishida, lúc ấy mới 6 tuổi, nhập học tại các trường công ở khu Elmust, Queens, nơi mà ông theo học lớp 2 và lớp 3. Trong một bức ảnh chụp lớp học của ông vào năm 1965, hình ảnh ông Kishida đứng trước lá cờ Mỹ khổng lồ nhận được nhiều sự quan tâm. 

thoi di hoc o my cua tan thu tuong nhat ban fumio kishida1 copy

Ông Fumio Kishida (thứ hai từ bên phải ở hàng sau cùng) trong một bức ảnh chụp lớp học tại trường tiểu học ở Elmhurst, Queens. Ảnh: Văn phòng của Fumio Kishida.

Khi đó, bạn học cùng lớp của ông đến từ nhiều nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Ấn Độ và người Mỹ bản địa, tuy nhiên ông vẫn cảm thấy nhức nhối vì sự phân biệt chủng tộc. Trong cuốn sách “Tầm nhìn Kishida” được xuất bản năm 2020, ông Kishida nhắc đến chuyện vào thời điểm năm 1965, một bạn học da trắng đã từ chối nắm tay ông theo hướng dẫn của một giáo viên trong chuyến đi thực tế.

Tuy nhiên, tân Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông vẫn trân trọng khoảng thời gian theo học tại nước Mỹ, nhận thấy điều đặc biệt là các sinh viên thuộc nhiều sắc tộc khác nhau “tôn trọng quốc kỳ và hát quốc ca cùng nhau mỗi buổi sáng”.

Trượt đại học 3 lần 

Trong khi các quan chức và chính khách tại Nhật Bản thường xuất thân từ Đại học Tokyo danh giá, ông Kishida là người hiếm hoi trượt đại học này đến 3 lần. Cuối cùng, ông thi đỗ vào Đại học Waseda, cũng là một trường tư có tiếng tại Nhật Bản. Ông từng chia sẻ rằng ông chọn Đại học Waseda vì sự nghiêm khắc và khiêm tốn của trường. Tại trường Waseda, ông kết bạn với Takeshi Iwaya, người sau này cũng là chính trị gia của Đảng Dân chủ Tự do. 

Ông Kishida nổi tiếng với niềm đam mê bóng chày. Đam mê này được hình thành từ những ngày còn theo học tại trường Waseda. Đội bóng mà ông vô cùng yêu thích là Hiroshima Carp.

Khi ông Kishida trượt Đại học Tokyo, đây là một rất buồn với gia đình ông vì cả ông nội và bố ông đều là những quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản. Vậy nên khi ông Kishida nói rằng mình muốn theo đuổi con đường chính trị, bố ông đã cố đẩy ông theo hướng khác với cảnh báo "không có gì ngọt ngào trong thế giới chính trị". 

Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, ông Kishida bắt đầu theo đuổi con đường chính trị, vị trí đầu tiên của ông là làm thư ký cho bố mình - người là thành viên của Hạ viện.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Kishida được bổ nhiệm làm ngoại trưởng vào năm 2012. Dấu ấn lớn nhất là việc ông đã thuyết phục được Tổng thống Barack Obama đến thăm Hiroshima vào năm 2016. Đây là nơi Mỹ đã ném bom nguyên tử năm 1945 khiến hơn 140.000 người chết.

Bích Thảo (Theo The New York Times) - Người Đưa Tin