Những cơ sở buộc tội trong vụ án "nhận hối lộ"

Cơ sở pháp lý nào để cơ quan tố tụng vẫn có thể buộc tội được các bị cáo dù không có chứng cứ vật chất, không có lời khai nhận tội của bị cáo?

Thời gian vừa qua một loạt các vụ án liên quan đến các tội danh nhận hối lộ được quan tố tụng đưa ra xét xử được sự quan tâm, đặt biệt về yếu tố chứng cứ phạm tội trong vụ án. 

dieu-tra-vien-hung-1689330501-1506-1689330532-1690516452.jpg

 Tại phiên toà “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an) một mực phủ nhận chiếc cặp chữa tiền.

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng vẫn có những căn cứ để khẳng định việc Hưng nhận tiền. 

“Do đó, nhiều người đặt ra câu hỏi: Vậy chứng cứ buộc tội ở đâu? Chứng cứ như vậy đã rõ ràng hay chưa? Chứng cứ quá mơ hồ, không thuyết phục? Tức là người dân mong muốn cơ quan tố tụng có chứng cứ thuyết phục, rõ ràng”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng luật sư Kết Nối) nói và cho biết, cứ nào thuyết phục và rõ ràng nhất là chứng cứ vật chất hoặc "lời khai nhận tội".

Trước hết, chứng cứ vật chất được hiểu là những căn cứ được ghi nhận trên các văn bản, tài liệu, ghi âm, ghi hình hoặc các vật chứng. Nếu bên đưa hối lộ ghi âm, thì file ghi âm này chính là chứng cứ vật chất.

Khi sử dụng chứng cứ còn phải xem xét ý nghĩa "chứng minh" tức là có làm rõ được hành vi phạm tội hay không? Nếu có chứng cứ vật chất thì rõ ràng việc chứng minh hành vi phạm tội sẽ dễ dàng hơn. 

Ngoài ra, chứng cứ là lời khai nhận tội của bị can/bị cáo cũng là căn cứ vững chắc nhất, có ý nghĩa chứng minh rõ ràng nhất hành vi nhận hối lộ. Yếu tố lời khai sẽ được xem xét có phù hợp lời khai của bị hại, người làm chứng. 

z4554151384910-601a44b0648816f2653204481145a78a-1690516452.jpg

 Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Theo luật sư Hùng, cơ quan tố tụng vẫn buộc tội được các bị cáo dù không có chứng cứ vật chất, không có lời khai nhận tội của bị cáo. Bởi, thông thường vụ án nhận hối lộ các cơ quan tố tụng vận dụng yếu tố "niềm tin nội tâm", tức đánh giá khả năng thực hiện hành vi phạm tội là có, việc chứng minh dù không rõ ràng, nhưng lại có các chứng cứ gián tiếp như: lời khai của người làm chứng, bị hại, xác định các yếu tố bất thường để kết tội.

Có thể hiểu vì có các hành vi, lời khai, quá trình đối chất…nên có cơ sở khẳng định đủ căn cứ kết tội đối với bị cáo. Có lẽ xuất phát từ đặc thù, loại tội phạm, thực tế khách quan nên để đảm bảo việc đấu tranh, phòng ngừa, xử lý hành vi phạm tội nên cơ quan tố tụng cố gắng vận dụng, đánh giá trên tổng thể các dấu hiệu tương đối, dùng phương pháp tư duy logic, phán đoán để đưa ra kết luận buộc tội với bị cáo. 

“Chắc chắn những quan điểm này sẽ còn rất nhiều tranh luận, đánh giá của các bên, nhất là giới luật sư, người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Vì thế, về lâu dài chúng ta cũng cần có sự nghiên cứu, đánh giá, xây dựng các cơ chế, cách thức hoặc cơ quan tố tụng trước khi khởi tố vụ án này cũng nên thận trọng hơn nữa, cố gắng thu thập chứng cứ vật chất rõ ràng để làm căn cứ buộc tội. Như thế người bị bắt, buộc tội mới tâm phục, khẩu phục và phải chịu sự trừng trị của pháp luật”, vị luật sư nêu ý kiến.