Nhiều dinh dưỡng
Rau mầm chứa ít calo, giàu chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật có lợi. Hàm lượng vitamin và khoáng chất của chúng thay đổi tùy theo giống.
Quá trình nảy mầm giúp tăng mức độ dinh dưỡng, làm cho rau mầm giàu protein, folate, magiê, phốt pho, mangan và vitamin C và K hơn so với hạt chưa nảy mầm.
Một số nghiên cứu cho thấy việc mọc mầm giúp tăng hàm lượng protein. Rau mầm cũng chứa hàm lượng axit amin thiết yếu.
Thực phẩm làm từ đậu nảy mầm cũng có thể bổ dưỡng hơn. Một nghiên cứu về đậu phụ và sữa đậu nành làm từ đậu nành nảy mầm chứa nhiều protein hơn 7–13%, ít chất béo hơn 12–24% và ít chất kháng dinh dưỡng hơn 56–81% so với đậu phụ và sữa đậu nành làm từ đậu nành chưa nảy mầm.
Dễ tiêu hoá
Protein trong rau mầm cũng có thể giúp bạn tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi hạt nảy mầm, lượng chất xơ chứa trong hạt sẽ tăng lên và trở nên sẵn có hơn. Ngũ cốc nảy mầm trong 5 ngày chứa nhiều chất xơ hơn tới 133% so với ngũ cốc chưa nảy mầm. Ở một nghiên cứu khác, đậu nảy mầm dài 5mm làm tăng tổng hàm lượng chất xơ của chúng lên đến 226%.
Việc mọc mầm dường như đặc biệt làm tăng lượng chất xơ không hòa tan, một loại chất xơ làm giảm khả năng bị táo bón.
Rau mầm cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời và các hợp chất thực vật có lợi khác.
Kiểm soát đường trong máu
Rau mầm có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu cho rằng điều này có được là do việc mọc mầm làm giảm tổng lượng carbs trong rau mầm.
Một giả thuyết khác cho rằng rau mầm có thể làm tăng khả năng điều chỉnh hoạt động của enzym amylase, loại enzym mà cơ thể sử dụng để phân hủy và tiêu hóa đường một cách hiệu quả. Tuy vậy, vẫn cần thêm những nghiên cứu về vấn đề này.
Tốt cho tim mạch
Thêm rau mầm trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn cũng có thể có lợi cho tim của bạn. Rau mầm có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, chẳng hạn như mức cholesterol trong máu cao.
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng ăn rau mầm có thể làm tăng cholesterol HDL “tốt” và giảm mức cholesterol LDL toàn phần và “xấu”.
Lưu ý khi ăn rau mầm
Mặc dù chứa nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ nhưng rau mầm sống có thể chứa vi khuẩn có hại. Một vấn đề thường liên quan đến ăn rau mầm là nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là khi ăn sống hoặc tái.
Biểu hiện ngộ độc có thể bao gồm tiêu chảy, co thắt dạ dày và nôn mửa. Tuy các triệu chứng này hiếm khi đe dọa đến tính mạng nhưng trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những người có hệ miễn dịch nói chung yếu hơn được khuyến cáo nên nấu kỹ hoặc tránh hoàn toàn rau mầm.
Những lời khuyên khi lựa chọn rau mầm như chỉ mua rau mầm tươi đã được bảo quản lạnh đúng cách, tránh mua hoặc ăn các loại rau mầm có mùi nồng, nhớt. Khi mua về cần bảo quản trong tủ lạnh: Tại nhà, hãy giữ rau mầm trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 8°C và luôn rửa tay đúng cách trước khi xử lý rau mầm sống.
Theo Laodong.vn