Những quán bar, karaoke bị xử lý như thế nào nếu không đóng cửa phòng dịch theo chỉ đạo

Mặc dù nhiều tỉnh thành đã có văn bản yêu cầu các quán bar, karaoke, massage,...tạm thời đóng cửa, xử lý y tế phòng dịch nhưng có không ít quán vẫn "cố chấp" mở cửa.
Quán karaoke trên đường Trần Duy Hưng "cửa đóng then cài" để phòng dịch.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều tỉnh thành phố trên cả nước như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng,... đã có yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí tập trung đông người. Các giải thể dục, thể thao cũng bị hủy hoặc hoãn thời gian tổ chức.

Tuy nhiên, bất chấp “lệnh” tạm thời đóng cửa để chống dịch Covid-19, nhiều quán bar, quán karaoke, massage vẫn hoạt động, đón khách.

Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Lê Minh Đức (Văn phòng luật số 6, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc tạm ngưng hoạt động của các quán bar, karaoke,.. trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là điều vô cùng cần thiết.

Các quán bar, quán karaoke vẫn hoạt động sau chỉ đạo của UBND tỉnh/thành phố là vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo của một số tỉnh, thành phố liên quan đến việc tạm ngưng các hoạt động vui chơi, giải trí được quy định tại Khoản 1, Điều 52, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây: a) Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

Việc tạm ngưng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong thời điểm dịch Covid-19 đang là tâm điểm cũng được hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/09/2010 của Chính phủ quy định chi tiết về việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch.

Cụ thể, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng nếu như dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.

Việc tổ chức, cá nhân vẫn thực hiện theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh/thành phố, vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh vi phạm khoản 7, Điều 8 về những hành vi bị nghiêm cấm của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Luật sư Đức phân tích, các quán bar, karaoke, massage không tuân thủ theo chỉ đạo của tỉnh/thành phố có thể bị xử lý theo điểm C khoản 4, Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt từ 5-10 triệu đồng.

Tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Cũng theo luật sư Đức, mặc dù việc tạm thời đóng cửa ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của tổ chức, cá nhân nhưng đây là điều vô cùng cần thiết nhằm kiểm soát chặt chẽ, triệt để các nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và du khách.