NSND Trung Hiếu hiện đang là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Năm 1993, khi anh đang học năm cuối trường Đại học Sân khấu Điện ảnh các lãnh đạo của Nhà hát Kịch Hà Nội có buổi "tuyển quân".
"Hồi đó, tôi không hề thấy áp lực mà thật sự rất tự hào vì mình chưa tốt nghiệp nhưng đã được làm việc tại Nhà hát kịch của Thủ đô - một môi trường lớn đến như vậy và được diễn cùng các anh các chị toàn các ngôi sao. Tôi vui mừng cho cho đến nay, mình vẫn giữ được tình yêu với sân khấu kịch và sống với từng vai trên sàn diễn..." - NSND Trung Hiếu nhớ lại.
Ngay khi mới về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu đã được giao những vai diễn chính. Nam nghệ sĩ cho biết đó là sự may mắn, song cũng là áp lực khi đứng chung sân khấu với những đàn anh, đàn chị trong nghề như NSND Hoàng Dũng, NSND Hoàng Cúc hay NSND Minh Hòa,... Đó cũng là bước đệm để Trung Hiếu tiếp tục phát triển sự nghiệp, tham gia phim nhựa, phim truyền hình, thử sức làm đạo diễn và đóng cả phim hài. Hiện tại, anh cùng nghệ sĩ trong Nhà hát chuẩn bị vở diễn để tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 dự kiến vào tháng 11 tới nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Chia sẻ với PV về tình hình Nhà hát Kịch Hà Nội trong thời gian dịch bệnh, NSND Trung Hiếu cho hay: "Tuy Nhà hát của là đơn vị sự nghiệp có thu và sự hỗ trợ của Nhà nước, anh em diễn viên ít nhiều có lương nhưng Ban lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội đã rất nỗ lực huy động các nguồn lực để hỗ trợ đời sống cho nghệ sĩ. Chúng tôi tổ chức các phong trào “lá lành đùm lá rách”, tổ chức cuộc thi Kịch Hà Nội - Tiếng hát át Covid-19, để gây quỹ ủng hộ các nghệ sĩ khó khăn.
Tôi muốn thông qua cuộc thi để truyền cảm hứng tích cực cho anh em nghệ sĩ. Và thực tế là mọi người rất hào hứng. Các nghệ sĩ ở nhà tự thu âm, ghi hình để tham gia cuộc thi. Âm nhạc và không khí thi đua có tác dụng khích lệ tinh thần rất lớn, bên cạnh giá trị vật chất mà những phần quà mang lại. Mọi người rất đón nhận.
Ngoài ra, chúng tôi cũng trích một phần quỹ đó gửi UBMTTQ Hà Nội để ủng hỗ bà con khó khăn trong đại dịch Covid-19, các phần quà đó là một trong những việc có ý nghĩa lan tỏa rất lớn. Năm trước Nhà hát Kịch được biểu dương là một trong những đơn vị tiêu biểu của Hà Nội trong công cuộc chống dịch Covid. Ngoài ra từ năm ngoái tới nay, khi tình hình dịch bệnh tương đối ổn thì tôi tổ chức các buổi biểu diễn của các anh em nghệ sĩ tới các bệnh viện, đơn vị công an, bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch để động viên tinh thần cho các y bác sĩ, chiến sĩ".
NSND Trung Hiếu cho biết, nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị vở kịch Làng song sinh do nhà văn Xuân Đức viết kịch bản, kể về ngôi làng Thủy - nơi có một lời nguyền rằng, ai sinh đẻ cũng phải sinh đôi. Vì muốn xóa bỏ lời nguyền đó, ba người đàn ông của làng đã kết nghĩa anh em rồi cùng lên chùa cầu tự. Khi có con, ba người tuyên bố với làng xóm rằng, lời nguyền sinh đôi đã được hóa giải. Gia đình ba người chỉ sinh con một.
Từ đây, câu chuyện được dẫn dắt đi theo cuộc sống của Tấn, Tạ và Quả - ba người con của ba người đàn ông kết nghĩa. Họ lớn lên trong chiến tranh, cùng vào chiến trường và chiến đấu trên một mặt trận. Khi hòa bình, họ trở về làng và từ đó, những bí mật được che giấu bao năm hé mở...
Làng song sinh có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Quang Thắng, Tiến Minh, Thiện Tùng, Thùy Dương, Thùy Anh, Việt Dũng, Mạnh Hưng, Xuân Hồng, Quốc Đam...
"Đây là một vở kịch đi sâu vào vấn đề nhân tính, bản thể. Những nút thắt, mở xoay quanh cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, sự quang minh, trong sáng và sự hèn nhát, đen tối... Có lúc những sự đối lập ấy tồn tại trong cùng một người, có lúc chúng lại tách biệt ở hai con người giống nhau về diện mạo. Vở kịch chứa đựng những bài học, suy nghĩ về cuộc sống rất có giá trị về quá trình tự diễn biến, tự chuyển hoá của con người", NSND Trung Hiếu chia sẻ.
NSND Trung Hiếu tâm sự với Người Đưa Tin: "Khán giả nhìn vào lúc nào cũng thấy nghệ sĩ hào nhoáng, ăn mặc đẹp nghĩ chắc họ sướng lắm. Nhưng nghệ sĩ kịch nói rất vất vả, những ai trụ được với nghề đều là do đam mê của mình. Hết thời gian giãn cách xã hội, nghệ sĩ của Nhà hát lại bắt tay vào dựng vở mới với nhiều quyết tâm. Các nghệ sĩ sân khấu phải cố gắng 200% để thoả ước mơ biểu diễn của mình. Tập vở trong trong tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến mới nên chúng tôi vẫn đảm bảo quy tắc 5K, như thường xuyên đeo khẩu trang, đến lượt vai diễn của ai thì ra tập, không ngồi tụ lại một chỗ mà vẫn ngồi giãn cách. Hy vọng sắp tới, dịch bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn để nghệ sĩ yên tâm đứng trên sân khấu, có khán giả ở dưới cổ vũ".
Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từng là một diễn viên "ăn khách" của phim truyền hình, nói về việc 7 năm vắng bóng trên màn ảnh nhỏ, NSND Trung Hiếu cho hay: “Thật ra không phải tôi không làm phim. Mọi năm, tôi vẫn làm một vài phim Tết để bà con không quên mình và để phục vụ món ăn tinh thần trong dịp đầu năm. Nhưng đó chỉ là phim ngắn tập, chủ yếu là phim hài.
Còn phim truyền hình thì đa số là phim dài tập, có những phim 100 đến 200 tập. Thời gian đi quay ít nhất cũng phải vài tháng. Nếu quay tại Hà Nội thì không sao nhưng có những phim phải quay ở địa phương khác. Tôi không sắp xếp được thời gian. Tôi ở Nhà hát kịch Hà Nội, công việc thì rất nhiều. Nếu đi khoảng thời gian dài như thế thì sẽ không giải quyết được các công việc của nhà hát. Mới đây, tôi có tham gia phim Ngày mai bình yên tuyên truyền về phòng chống Covid -19 vì phim ngắn tập và tôi có thể sắp xếp được thời gian của mình...”.