Nữ luật gia và vụ ly hôn oái oăm “do vợ không đẻ được con trai”

Vụ ly hôn với lý do hiếm gặp trên khiến toà án tổ chức hoà giải 6 lần bất thành. Cuối cùng, được Hội luật gia tỉnh Bình Dương trợ giúp thoả đáng.

Vụ ly hôn nan giải

Sinh năm 1949, dù đã quá cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng suốt hơn 10 năm qua, luật gia Ngô Thị Liên (Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Bình Dương) không quản ngại khó khăn, vất vả để trợ giúp pháp lý cho biết bao người dân trên khắp địa bàn tỉnh Bình Dương.

Nhớ lại kỷ niệm về lần trợ giúp pháp lý đáng nhớ, nữ luật gia cho biết, đó là lần tư vấn giải quyết một vụ việc ly hôn mà có lúc tưởng chừng Hội không làm được.

Cụ thể, năm 2020, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương yêu cầu Hội luật gia tỉnh trợ giúp trường hợp người chồng muốn ly hôn vợ với lý do "hết thương sống không hạnh phúc". Về phía người vợ cũng không đồng tình vì những yêu cầu của chồng.

Trước đó, toà án đã tổ chức 6 lần hoà giải mà không giải quyết được, khiến cơ quan xét xử cũng đau đầu về vụ này. Để tìm hiểu rõ bản chất vấn đề, trước tiên bà Liên dò hỏi những hàng xóm nơi cô vợ sinh sống ở Tp. Thủ Dầu Một.  Từ những lời kể, bà Liên nhận thấy, đây là người vợ tảo tần, hiếu thuận.

Góc nhìn luật gia - Nữ luật gia và vụ ly hôn oái oăm “do vợ không đẻ được con trai”
Bà Ngô Thị Liên - Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Bình Dương (áo đen, đứng chính giữa). Trong sự kiện tuyên truyền pháp luật trên, với phần hỏi đáp có thưởng đã tăng thêm sự hứng thú cho người dân. 

"Lấy chồng gần 20 năm, cô vất vả buôn bán để lo kinh tế cho cả gia đình. Mọi công việc, từ kiếm tiền đến nuôi con đều do một tay người vợ cáng đáng. Ngược lại, người chồng chỉ tụ tập suốt ngày nhậu nhẹt", nữ luật gia kể. 

Bà Liên cũng tìm hiểu được lý do thực sự dẫn đến chia tay. Người chồng cho rằng, vợ không đẻ được con trai nên muốn ly dị để kết hôn với người khác.

Hơn nữa, thông tin từ người vợ được biết, căn nhà khang trang họ sinh đang sống thực chất là tiền mẹ đẻ của cô cho để mua. Tuy nhiên, căn nhà đang đứng tên bố mẹ chồng nên người chồng có ý muốn chiếm đoạt.

Về phía bố mẹ chồng, dù rất thương con dâu nhưng họ đành bất lực trước cậu con trai ngỗ ngược. Chứng kiến cảnh con sắp “đường ai nấy đi”, người cha chồng đau buồn đã đổ bệnh rồi qua đời. Người mẹ chồng cũng chán chường và quyết định đi tu. Vốn là người phụ nữ vì gia đình, khi đối diện với tình cảnh này, cô vợ rơi vào trạng thái tinh thần tuyệt vọng.

Nắm được nút thắt của vấn đề bà Liên đã tìm đến người mẹ chồng. “Khi gặp bà ấy, tôi yêu cầu bà hãy nói lên toàn bộ sự thật. Nhưng vì sợ con trai, bà ấy nhất quyết không đồng ý”, nữ luật gia kể và chia sẻ, người vợ lúc này đã rất tuyệt vọng có thể dẫn đến hành động dại dột. Có lẽ, Hội Luật gia là chiếc phao cứu sinh cuối cùng với cô ấy.

Quyết không bỏ cuộc, bà Liên nhiều lần gặp để thuyết phục người mẹ chồng, phân tích cặn kẽ vấn đề cho bà ấy hiểu. Cuối cùng, trước lý lẽ “thấu tình đạt tình lý” của nữ luật gia, người mẹ chồng nói đã nói lên sự thật, đúng như cô con dâu kể.

Tiếp đó, người mẹ chồng đã sang tên căn nhà cho cháu gái nội vì đủ 18 tuổi (con cả của cô con dâu) và công nhận con dâu được ở trong nhà. Như vậy, “mâu thuẫn” tưởng chừng không thể hoà giải đã chính thức khép lại.

Chú trọng trợ giúp cho người yếu thế

Bà Liên chia sẻ, Hội Luật gia tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng bảo vệ những người yếu thế như: người lao động, phụ nữ và trẻ em.

Đối với họ, nhu cầu cơ bản nhất không phải là tiếp cận pháp luật mà là được đủ ăn, đủ mặc. Ý thức được điều đó, Hội Luật gia tỉnh thường lồng ghép chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật qua các mô hình như phiên chợ 0 đồng.

Cụ thể, Hội thường tổ chức các chương trình thiện nguyện, tặng quà cho người lao động khó khăn để thu hút họ tham gia. Từ đó, khéo léo lồng ghép tư vấn, phổ biến pháp luật cho người dân.

Trong công tác trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, Hội Luật gia tỉnh thường phân công các luật sư, tư vấn viên nhiều kinh nghiệm để trợ giúp pháp lý cho người dân.

Góc nhìn luật gia - Nữ luật gia và vụ ly hôn oái oăm “do vợ không đẻ được con trai” (Hình 2).
Đến nay, Hội luật gia tỉnh Bình Dương đã kết nạp được khoảng 700 hội viên. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo chiều sâu và liên tục trong công tác xây dựng chính sách pháp luật, để người dân dễ tiếp cận, Hội Luật gia tỉnh xây dựng các đội nhóm trên nền tảng mạng xã hội.

Thông qua đó đã tổ chức góp ý trực tuyến, phối hợp với các cơ quan, trường Đại học trên địa bàn để tổ chức góp ý được nhiều dự thảo Luật như: Luật đất đai (sửa đổi), Luật Dân quân tự vệ, Luật các tổ chức Tín dụng, Luật nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản,….

Từng bước xây dựng và trưởng thành, đến nay HLG tỉnh Bình Dương đã thành lập 9/9 huyện Hội và các chi Hội cơ quan ban, ngành trực thuộc tỉnh Hội với khoảng 700 hội viên.

Với đội ngũ ngày càng lớn mạnh, Hội luật gia tỉnh Bình Dương ngày càng có những đóng góp to lớn vào công tác xây dựng chính sách pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người dân.

Xem thêm: Cách tính lương làm thêm ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 không thể bỏ qua