Nữ nhân viên y tế 2 lần xung phong vào vùng dịch, cống hiến sức trẻ

"Tôi tự nghĩ khi bản thân là một nhân viên y tế trẻ nếu không cống hiến thì sau này sẽ hối hận vì không sống hết lòng hết sức những năm tháng tuổi trẻ", nữ hộ sinh trẻ Dương Lê Mỹ Vy chia sẻ.

 

Nữ nhân viên y tế 2 lần xung phong vào vùng dịch, cống hiến sức trẻ - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định động viên đoàn công tác y tế của tỉnh lên đường hỗ trợ TPHCM chống dịch Covid-19.

Từng tham gia hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch Covid-19, nữ hộ sinh trẻ Dương Lê Mỹ Vy công tác tại Trạm Y tế xã Phước Quang (thuộc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước) chia sẻ, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam hết sức phức tạp.

Bản thân Vy muốn được góp sức mình cùng miền Nam chống dịch, và cũng xem đây là một vinh dự, nên đã xung phong lên đường.

Vy hy vọng đoàn công tác y tế tỉnh Bình Định tham gia hỗ trợ lần này, sẽ góp phần nào sức lực nhằm san sẻ những vất vả cùng đồng nghiệp ở TPHCM.

"Mặc dù tình hình dịch bệnh ở miền Nam hiện rất nguy hiểm, nhưng với một người trẻ, nhất là một nhân viên y tế, cống hiến hết mình là điều nên làm. Tôi tự nghĩ khi còn trẻ, những lúc như thế này mà chúng ta không làm thì sau này sẽ hối hận vì không sống hết lòng hết sức những năm tháng tuổi trẻ", Mỹ Vy chia sẻ.

Cũng từng có kinh nghiệm tham hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch Covid-19 vào năm 2020, điều dưỡng trẻ Hồ Xuân Dương (24 tuổi, công tác tại Khoa Lão khoa - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định) cho biết: "Chúng tôi lên đường lần này với tinh thần quyết thắng, chiến thắng dịch mới trở về. Các thành viên trong đoàn cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Nữ nhân viên y tế 2 lần xung phong vào vùng dịch, cống hiến sức trẻ - 2

14 y bác sĩ tỉnh Bình Định chuẩn bị sẵn sàng tư trang để ra sân bay Phù Cát vào TPHCM hỗ trợ chống Covid-19.

Bản thân đã xa vợ, con suốt cả tháng nay, từ khi nơi cư trú ở thị xã Hoài Nhơn ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, điều dưỡng Trương Quang Truyện, khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn ở thị xã này cũng tình nguyện nhận nhiệm vụ lên đường vào miền Nam góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

"Không ai muốn dịch bệnh xảy ra, do vậy tất cả chúng tôi đều mong muốn sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới", điều dưỡng Truyện nói.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng chia sẻ, kể từ khi dịch bùng phát, nhân viên ngành y tế, đặc biệt là những người làm việc ở tuyến đầu, tại các cơ sở y tế phải làm việc suốt ngày đêm, không kể bất cứ gian khổ nào, không biết ngày nghỉ.

Nữ nhân viên y tế 2 lần xung phong vào vùng dịch, cống hiến sức trẻ - 3

Bác sĩ Trần Thanh Kiệt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định quyết tâm cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

"Tình hình dịch bệnh ở TPHCM đang rất căng thẳng, vì vậy các bác sĩ, nhân viên y tế phải phát huy tinh thần, bản lĩnh và kinh nghiệm nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất cả nhân viên y tế làm nhiệm vụ lần này, phải chú ý bảo vệ sức khỏe, chú ý ăn uống đảm bảo dinh dưỡng vì cuộc chiến chống dịch còn dài", ông Lê Quang Hùng dặn dò.

Chiều 31/8, đoàn tình nguyện của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (thuộc Bộ Y tế) gồm 20 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm cũng đã lên đường chi viện cho TPHCM phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, bệnh viện cũng đã cử 2 đoàn tình nguyện gồm 36 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm chi viện cho các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Nữ nhân viên y tế 2 lần xung phong vào vùng dịch, cống hiến sức trẻ - 4

Đoàn công tác 14 nhân viên y tế tỉnh Bình Định tiếp tục lên đường đợt 2 vào hỗ trợ TPHCM chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chia sẻ: "Tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bình Định cũng đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhiều nhân viên y tế ở tỉnh xung phong tình nguyện vào vùng dịch "nóng" hơn, hỗ trợ đồng nghiệp ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Đây không những là tình cảm, trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc ở tỉnh, mà còn phát truyền thống quý báu của ngành y".

Doãn Công - báo Dân trí