Nguyễn Bích Hằng (thường được gọi là Hằng Túi) là một trong những hotmom nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Hằng Túi không chỉ gây ấn tượng khi là sở hữu chuỗi cửa hàng lớn mà còn khiến nhiều người thán phục khi dành "cả thanh xuân để ăn với đẻ".
Sau cuộc hôn nhân sóng gió với Đăng Nguyên (em trai ca sĩ Đăng Khôi), cô tìm được hạnh phúc mới với chàng kiến trúc sư Tiến Dũng và sinh một lèo 3 con trong vòng 4 năm. Ngày 19/10/ vừa qua, Hằng Túi hạ sinh con gái út San San.
Sau khi sinh con, cô thường xuyên tâm sự với các mẹ “bỉm sữa” trên trang mạng xã hội để cùng nhau nuôi dạy con tốt. Dưới đây là chia sẻ của hotmom về quan điểm chăm con "không kháng sinh" của mình.
" Trước tiên, bố mẹ cần nhớ người lớn mình cảm cúm, cảm lạnh... quy trình như thế nào thì với trẻ con cũng như thế, chỉ khác duy nhất người lớn mình thì xì mũi và khạc đờm được, trẻ con thì không. Vì vậy bố mẹ chỉ cần làm tốt khâu này.
Cảm mạo, ốm sốt vặt bé nào cũng bị, và đứa nào cũng qua, cũng lớn hết, chỉ có người lớn có biết cách chăm sóc hay không.
Nếu trẻ bị viêm họng hay cảm lạnh, cảm cúm thì 100% nó sẽ xảy ra theo "đúng quy trình" 5-7 ngày tuỳ đề kháng bé, nên bố mẹ tuyệt đối không sốt ruột mà dùng kháng sinh! Vì có dùng thì nó cũng đúng quy trình chứ không khác đi được, thậm chí khi dùng kháng sinh sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá của con, rất mệt mỏi khi đồng thời phải gánh cả 2 biểu hiện bệnh
Vậy việc bố mẹ cần làm lúc này chính là: "Phải đối phó với triệu chứng và ngăn nó nặng thêm, giảm mệt mỏi cho các con, giúp các con dễ chịu, không bỏ ăn", Hằng Túi chia sẻ.
Những biểu hiện, tiến triển bệnh của trẻ bố mẹ cần lưu ý:
- Họng sưng là chớm viêm họng, ho là biểu hiện kết thúc quá trình viêm họng.
- Chân tay toát mồ hôi lạnh là chuẩn bị sốt cao, chân tay ấm toát mồ hôi ướt áo là đang toả nhiệt hạ sốt, cần bù nước.
- Sốt cao, nghẹt mũi, đau họng và ủ rũ, mệt mỏi, nhức người, nhức xương là biểu hiện chớm của sốt virus hoặc cúm, cảm lạnh... Phát ban, tiêu chảy, ho là biểu hiện kết thúc đợt sốt. Một số bé sau khi uống siro trị ho và siro cảm cúm, cảm lạnh sẽ tiêu chảy để tống đờm nhớt ra đường đại tiện.
- Ho khan húng hắng và chảy nước mũi trong là biểu hiện bé bị viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm. Ở một mức độ nhất định, nếu bé ho có đờm là tốt vì đó là cách bé đẩy đờm ra chứ không phải đáng lo.
Cách đối phó với triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng như sau:
- Trước tiên mẹ cho con uống ngay siro trị cảm lạnh, cảm cúm cho bé giảm các triệu chứng và dễ chịu hơn.
- Chảy nước mũi trong: Rửa mũi, hút mũi liên tục với nước muối sinh lý loại màu hồng hoặc vàng ngày 3-4 lần, mỗi lần rửa 1-2 ống (5-10ml). Nếu không làm việc này, nước mũi trong sẽ chảy xuống họng thành đờm, từ đờm lỏng thành đờm đặc, rất khó chịu và gây đau họng cho bé.
Nước mũi trong là chớm bắt đầu đợt ốm, nước mũi xanh vàng đặc là kết thúc đợt ốm, phải hút rửa mũi từ khi nước mũi còn trong chứ không được chủ quan (vệ sinh hút hết chỗ đờm xanh, vàng hoặc vỗ cho long đờm ra không để đờm xuống họng con).
Khi con không tự ho ra đờm đuợc thì khi bé lên cơn ho mẹ có thể thò tay vào móc họng cho ọc ra hết chỗ đờm nhớt, sau đó bé sẽ dễ chịu hơn. Bạo tay hơn nữa thì dốc đầu con và khum tay vỗ lưng cho bé ọc hết đờm dãi ra.
Làm liên tục 4-5 ngày cho tới khi con không còn khò khè, khụt khịt, chảy nước mũi. Nếu bé nghẹt mũi, mẹ cần nhỏ thuốc nhỏ mũi sẽ giúp co niêm mạc cho bé thở được. Như vậy bé mới không bỏ ăn.
- Họng sưng đỏ, ho khan: Nhỏ 3-4 giọt nước muối sinh lý vào họng, liên tục ngày 5-6 lần, nhất là sau ăn và trong khi ngủ. Với trẻ trên 3 tuổi có thể cho bé ngậm muối tinh, cách này sẽ giảm và dịu hẳn sưng đỏ. Cho con uống siro ho hoặc dùng thuốc nhét hậu môn nếu trẻ nôn, trớ không chịu uống.
- Sốt: Mẹ nên nhớ sốt không phải là bệnh mà là biểu hiện của việc đề kháng của con đang chống lại bệnh, nên các bố mẹ chỉ cần hạ sốt cho con. Dùng siro hạ sốt của Pháp sẽ rất êm, hạ sốt nhanh và bé không mệt, cho bé uống đủ nước, không nhất thiết phải bù nước điện giải vì thị trường rất nhiều loại kém chất lượng.
Trước một đợt sốt cao tay chân con rất lạnh, sau đó sẽ sốt cao, khi hạ sốt tay chân con ấm dần và toả nhiệt, toát mồ hôi lạnh. Mẹ phải canh để lau mồ hôi liên tục và thay áo cho bé, tránh ngấm ngược vào trong.
- Nếu trường hợp để nước mũi chảy xuống họng thì bố mẹ kết hợp dùng viên trị ho đờm nhét hậu môn và uống siro ho, nên mua loại chiết xuất hoàn toàn từ thảo dược cho lành tính.
Cứ đúng quy trình trên thì 3-5 cùng lắm là 7 ngày bé sẽ hết ốm sốt. Vậy nên vấn đề ở đây không phải ở thuốc mà ở quá trình chăm sóc trẻ của bố mẹ phải thật sát sao, bài bản và bình tĩnh. Với những bạn trước đây đã từng dùng kháng sinh rồi thì bố mẹ càng phải kiên nhẫn hơn nữa.
Tuy nhiên, nếu những biểu hiện bệnh của trẻ kéo dài, lâu ngày không khỏi thì bố mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị hiệu quả hơn.