Vượt dịch COVID-19, Sabeco bật tín hiệu mừng
Báo cáo tài chính quý II/2021 của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SAB) ghi nhận doanh thu thuần 7.226 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 1.070 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, SAB báo lãi sau thuế 2.057,3 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1.919,5 tỷ đồng, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2020.
Về quản lý, chi phí quản lý doanh nghiệp của SAB giảm 24,2% xuống còn 267,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Trong đó, riêng chi phí cho quảng cáo và khuyến mãi của SAB là 1.246,4 tỷ đồng, chiếm 64% tổng chi phí bán hàng.
Tương đương mỗi ngày SAB chi khoảng 6,88 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, khuyến mãi nhằm mục đích giành thị phần trong bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành quyết liệt.
Năm 2021, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 33.491 tỷ đồng và lợi nhuận 5.289 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 7% so với 2020.
Tổng tài sản tính đến 30/6/2021 của Sabeco đạt 28.560 tỷ đồng, tăng khoảng 1.200 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó có 15.290 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn thời hạn từ 3 đến 12 tháng.
"Máy kiếm tiền" của đại gia Thái Lan trên đất Việt
Sabeco là một thương hiệu mạnh của người Việt, từng là "con gà đẻ trứng vàng" của bộ Công Thương trước đây.
Cho đến tháng 12/2017, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - người đứng sau tập đoàn ThaiBev đã thâu tóm hơn 343 triệu cổ phiếu SAB, chính thức nắm giữ 53,59% vốn tại doanh nghiệp này.
Với 36% cổ phần còn lại, bộ Công thương vẫn có tiếng nói đáng kể đối với các quyết sách quan trọng của doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Để thực hiện vụ mua bán chấn động trên, ThaiBev và BeerCo Limited (công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn) đã tiến hành đã thực hiện 6 khoản vay khác nhau với tổng số tiền tương đương 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng).
Đây được đánh giá là một trong những thương vụ M&A đình đám và được giá nhất của một thương hiệu Việt từ trước đến nay.
Dưới "đế chế" của đại gia Charoen Sirivadhanabhakdi, có 3 cái tên lớn nhất là ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker hoạt động đa ngành và TCC Land trong lĩnh vực bất động sản.
Sau khi Sabeco được bán cho người Thái, ban điều hành của Sabeco đã có rất nhiều biến động nhân sự, theo xu hướng "thay máu".
Bà Venus Teoh vừa được Sabeco bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc phụ trách marketing, thay cho ông Hoàng Đào Hiệp đã rời vị trí từ cuối tháng 2/2021.
Ông Neo Gim Siong Bennett - người Singapore đảm nhiệm vị trí CEO kể từ 1/8/2018, thay cho ông Nguyễn Thành Nam (người được bộ Công thương giao thay ông Vũ Quang Hải đại diện phần vốn Nhà nước tại HĐQT Sabeco).
Tại ĐHCĐ vào ngày 21/7/2018, ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore, gốc Hoa) đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Sabeco.
Ba thành viên HĐQT khác cũng là người có liên quan đến tỷ phú Thái, bao gồm: Bà Trần Kim Nga, ông Michael Chye Hin Fah (quốc tịch Singapore) và ông Pramoad Phornprapha (quốc tịch Thái Lan).
Ông Lâm Du An – Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật và sản xuất – là người Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách ban Tổng giám đốc Sabeco.
Theo quyết định của HĐQT Sabeco, ông Koh Poh Tiong là người đại diện theo pháp luật thứ 1 của Sabeco, trong khi ông Neo Gim Siong Bennett là người đại diện theo pháp luật thứ 2 của doanh nghiệp này.
Về tình hình kinh doanh, sau khi bị "gả bán", "gà cưng" Sabeco tiếp tục đẻ trứng vàng cho chủ mới.
Năm 2019, công ty ghi nhận 37.899 tỷ đồng doanh thu thuần, 5.370 tỷ đồng lãi ròng, là mức lãi kỷ lục từ trước đến nay của doanh nghiệp.
Sang năm 2020, theo báo cáo tài chính quý IV mới công bố, doanh thu thuần của DN đạt 7.865 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 2.468 tỷ đồng, giảm lần lượt 19% và 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/7, thị giá của cổ phiếu SAB đang ở mức 159.000 đồng/đơn vị cổ phiếu.
Min (Tổng hợp) - Người Đưa Tin Pháp Luật