Phải làm gì khi chồng trốn cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn?

Cấp dưỡng là nghĩa vụ về vật chất có tính đạo lý truyền thống, với người con nó gắn với quan hệ huyết thông và không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Vậy phải làm khi chồng trốn cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn?

Phải làm khi chồng trốn cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn? (Ảnh minh họa)

Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn đã được quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Theo đó, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Trong trường hợp ly hôn, nếu con sống với một trong hai người, thì người còn lại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Thế nhưng trên thực tế, không phải ai cũng thực hiện nghĩa vụ này. Đặc biệt, có rất nhiều trường hợp vợ vất vả nuôi con một mình trong khi chồng lẩn tránh trách nhiệm cấp dưỡng theo quy định, dù đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ.

Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con, người đang nuôi con có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định, người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Như vậy, trong trường hợp người chồng cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, người vợ có thể yêu cầu Tòa án buộc người chồng thực hiện nghĩa vụ này.

Theo khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình, hành vi không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định của Tòa án sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Căn cứ vào quy định này, hành vi không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn theo quyết định của Tòa án cũng có thể bị áp dụng mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định cụ thể về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng với mức phạt tối đa là 2 năm tù.

Cụ thể, Điều 186 quy định, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.