Huyết lợn: Thực phẩm nhiều đạm và sắt
Huyết lợn (heo) là thực phẩm dân dã, giá rẻ, được nhiều người thích ăn. Thực phẩm này có thể chế biến thành nhiều món khác nhau: luộc, xào, nấu cháo, ăn kèm lẩu, các loại bún.
Theo đông y, huyết heo giàu protein, vitamin K, khoáng chất, sắt và nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Từ lâu, nhiều người truyền tai nhau rằng ăn huyết lợn sẽ là giúp làm sạch phổi. Tin điều này, chị Thanh Trúc (37 tuổi, ở TP.HCM) thường mua huyết lợn về chế biến bằng cách thêm vào khi nấu cháo, bún bò, nấu canh, xào giá đỗ… cho cả gia đình ăn.
Huyết lợn luộc chín là thực phẩm giàu đạm và sắt. (Ảnh minh họa)
Nói về lý do thường nấu huyết lợn, chị Trúc cho biết, chồng chị là kỹ sư xây dựng, thường xuyên làm việc ở công trường nên phải tiếp xúc với nhiều khói, bụi. Chị cho rằng, ăn huyết lợn thường xuyên sẽ giúp anh được “rửa sạch” phổi. “Cả nhà tôi cùng ăn thực phẩm này lâu nay, chưa xảy ra vấn đề gì về sức khỏe”, chị Trúc chia sẻ.
Chị Trúc cho biết, mỗi tháng, chị cho chồng ăn huyết lợn 1-2 lần, chế biến thành các món khác nhau để anh không ngán. Để ăn thực phẩm này an toàn, chị lựa chọn nơi bán uy tín, còn tươi mới, không có màu sắc và mùi lạ mới mua. Sau khi mua về, chị chế biến chín mới cho cả nhà ăn. “Nhà tôi không ăn tiết canh, huyết chưa nấu chín”, chị Trúc nói.
Huyết lợn bổ nhưng có thể gây hại nếu chế biến và ăn không đúng cách
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, huyết lợn khi đã nấu chín ở dạng: nấu cháo, hấp hoặc luộc chín ăn sẽ rất tốt. Nó không chỉ là thực phẩm dễ ăn, giá rẻ mà còn cung cấp chất đạm, các vi chất như sắt, kẽm… cho cơ thể, nhất là với những người nhẹ cân, bị thiếu máu, thiếu sắt. Chính vì vậy, thực phẩm này đang được nhiều người chọn ăn.
PGS.TS guyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, thực chất máu động vật khi nấu chín có giá trị dinh dưỡng và giúp cung cấp hàm lượng sắt cho cơ thể. Tuy nhiên, việc ăn huyết lợn có tác dụng làm sạch phổi cho đến nay mới chỉ là lý thuyết, chưa có cơ sở khoa học chứng minh. BS.CK 2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM cũng đồng tình với ý kiến này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, cũng giống như nội tạng động vật, huyết lợn có lượng cholesterol khá cao, nếu ăn nhiều sẽ không tốt. Với trẻ em, những người nguy cơ mỡ máu cao, cao huyết áp, tiến sĩ Lâm khuyến cáo, nên hạn chế ăn huyết lợn. “Chúng ta nên hạn chế chế biến các món ăn từ huyết lợn, tốt nhất chỉ nên ăn 2-3 tháng/lần”, tiến sĩ Lâm khuyến cáo.
Huyết lợn có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: Diệu Thuần.
Tiến sĩ Lâm nhấn mạnh, khi ăn huyết lợn, chúng ta nên chọn mua ở những cơ sở hay người bán uy tín, có kiểm định và không mua huyết đã đổi màu, có mùi. Tuyệt đối không nên ăn huyết lợn khi còn sống, kể cả món tiết canh bởi trong máu của gia súc lẫn gia cầm, bao gồm cả những con khỏe mạnh, đều có thể chứa nhiều vi khuẩn và virus gây bệnh. Ngoài ra, trong quá trình cắt tiết, những vi khuẩn ở đường hô hấp, lông và da dễ dàng xâm nhập vào máu. Do vậy, ăn tiết canh tức là chúng ta đã trực tiếp đưa vi trùng, vi khuẩn vào người.
Nhiều quan niệm cho rằng, ăn tiết canh mát, giúp xả xui, các bác sĩ cho rằng, điều này không đúng. Thời gian qua, không ít người đã bị ngộ độc, nhiễm giun sán, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, hoại tử, thậm chí suy đa phủ tạng và tử vong cũng vì ăn món tiết canh. Nguyên nhân có thể do họ ăn phải huyết heo nhiễm vi khuẩn E.coli, vi khuẩn tả, đặc biệt là nhiễm vi khuẩn liên cầu lớn dẫn đến bị nhiễm bệnh từ con vật.
Các món ăn chế biến từ huyết lợn làm thuốc chữa bệnh gồm:
+ Cháo huyết lợn: Dùng huyết lợn, đậu xanh, gạo mới, hành, giá đậu, rau thơm gia vị vừa đủ nấu cháo ăn sẽ có tác dụng bổ hư, thanh nhiệt, giải độc cầm huyết… Ngoài ra, món ăn này còn có tác dụng chữa chứng sốt phát ban, sốt xuất huyết, phụ nữ rong kinh, người già yếu xuất huyết...
+ Canh huyết lợn hoa lý: Dùng huyết lợn, gan lợn, hoa lý nước dùng gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Món ăn này có tác dụng bổ huyết, nhuận tràng, cầm huyết, ích tỳ thận, trị chứng ăn ngủ kém, đau đầu chóng mặt, ù tai, nhức mỏi, xuất huyết không rõ nguyên nhân.
+ Canh huyết lợn lá ngải cứu: Dùng huyết lợn, gan lợn, lá ngải cứu, đậu xanh gia vị vừa đủ nấu canh, ăn khi còn nóng. Món ăn này giúp bổ huyết, ôn kinh chỉ huyết, điều kinh, chữa chứng xuất huyết tiêu hóa, ho ra huyết, đại tiểu tiện ra huyết, người già xuất huyết nhiều nơi, chứng béo phì mệt mỏi, ngoài da khô ngứa nổi sần...
+ Huyết lợn xào, giá đậu: Dùng huyết lợn luộc chín, giá đậu, hành tây, dầu ăn, gia vị vừa đủ xào ăn sẽ giúp bổ thông khí huyết, thanh nhiệt, chữa đau đầu chóng mặt, ù tai, giảm trí nhớ, tê tay chân, chuột rút.
+ Huyết lợn nấu khổ qua (mướp đắng): Huyết lợn luộc, nấm mèo, đậu phụ, hành, ngò gia vị băm nhỏ, trộn đều trộn cho vào ruột trái khổ qua nấu canh ăn. Món ăn này có tác dụng mát huyết, thanh nhiệt, giải độc. Những người bị mụn nhọt trứng cá, da khô sần ngứa ăn đều tốt.
+ Canh huyết lợn rau hẹ: Huyết lợn luộc, rau hẹ, nước dùng, gừng nướng, hành, gia vị vừa đủ nấu canh ăn giúp bổ huyết, ích khí, ích thận, trợ dương, ôn trung… Những người bị tỳ thận khí hư, di tinh, đau lưng mỏi gối, xuất huyết nhiều nơi ăn rất tốt.
+ Bún riêu cua huyết lợn: Nguyên liệu của món ăn này gồm huyết lợn, thịt cua, cà chua, giá, đậu hủ, bún gia vị vừa đủ nấu bún ăn. Món ăn này có tác dụng bổ thông huyết, ích xương khớp… Với những trẻ nhẹ cân, hay mệt mỏi do thiếu đạm, ăn món này cũng tốt.