Trong một nghiên cứu mới đây của Anh, các nhà nghiên cứu đã xác định được những dấu hiệu ban đầu của người nhiễm virus đậu mùa khỉ, vài ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng bệnh. Nếu được nhân rộng, nghiên cứu này có thể cung cấp thêm kiến thức về cách virus này lan rộng. Qua đó, giải thích nguyên nhân bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát trong năm nay, đồng thời cải thiện những nố lực phòng chống loại virus này.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan từ khi "người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng đầu tiên cho tới khi được điều trị khỏi hoàn toàn".
Đến thời điểm hiện tại, CDC Mỹ nhận định không có khả năng "đậu mùa khỉ lây lan từ những bệnh nhân không có triệu chứng". Tuy nhiên, họ vẫn đang tiếp tục theo dõi để cập nhật thêm thông tin mới.
Nghiên cứu mới do Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) thực hiện, xuất bản trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh ngày 2/11, đã cung cấp thêm những thông tin mới về virus này.
Trong đó, Tiến sĩ Esther E Freeman, giám đốc Da liễu Sức khỏe Toàn cầu tại Trường Y Harvard, nhận xét: "Đây là một nghiên cứu quan trọng và có thể gây tranh cãi. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy sự lây nhiễm của virus đậu mùa khỉ có thể xảy ra trong gia đoàn trước khi xuất hiện triệu chứng. Nhưng giống bất kỳ nghiên cứu này, những thông tin này vẫn cần được nghiên cứu lại và xem xét dựa trên dữ liệu thực tế".
Được biết, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu giám sát định kỳ do UKHSA thu thập trên 2.746 người được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Anh trong khoảng thời gian từ ngày 6/5 đến ngày 1/8. Theo đó, các nhà nghiên cứu cho rằng tải lượng virus đậu mùa khỉ trong giai đoạn trước khi xuất hiện triệu chứng tương đối thấp nhưng việc tiếp xúc gần gũi với cường độ cao, như quan hệ tình dục, vẫn có thể tạo điều kiện cho sự lây nhiễm của virus.
Ngoài ra, virus có thể lây lan ngay khi bệnh nhân vừa xuất hiện triệu chứng đầu tiên nhưng họ chưa phát hiện ra.
Theo các tác giả nghiên cứu, nếu sự lây nhiễm virus trong giai đoạn trước khi có triệu chứng là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay, điều này sẽ đặt câu hỏi về các chính sách y tế công cộng buộc mọi người phải cách ly khi có triệu chứng bệnh.
Tiến sĩ Boghuma Titanji, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ), đánh giá nghiên cứu này "rất tốt" nhận định nó đã "đưa ra một lập luận rất mạnh mẽ rằng có một số trường hợp lây truyền không có triệu chứng". Ông nói rằng nghiên cứu này mang đến một cái nhìn mới về cách dịch bệnh có thể diễn biến trong tương lai.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn bị hạn chế bởi các dữ liệu dựa trên hồi ức của các bệnh nhân nên không đáng tin cậy.
Virus đậu mùa khỉ, có họ với virus bệnh đậu mùa, lần đầu được phát hiện vào năm 1970 và đã trở thành bệnh lưu hành ở 11 quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, vào năm 2022, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên bùng phát bên ngoài khu vực châu Phi và lây nhiễm đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu và Mỹ. Trong đợt bùng phát ngày, các nghiên cứu chỉ ra virus đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm giữa nam giới quan hệ đồng giới.
Trong đợt bùng phát dịch năm nay, đậu mùa khỉ đã lây lan cho 77.174 người, tại 109 quốc gia, trên thế giới. Trong đó, Mỹ ghi nhận tới 28.422 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Số ca lây nhiễm đậu mùa khỉ ở Mỹ và trên thế giới đang có xu hướng giảm đều sau khi lập đỉnh vào hồi tháng 8 vừa qua, nhờ sự phân bổ vaccine, thay đổi trong hành vi tình dục và miền dịch đạt được.
Minh Hạnh (Theo Guardian)