Phát hiện thỏi son lâu đời nhất thế giới ở nơi không ngờ tới

Mới đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dạng son môi lâu đời nhất thế giới ở đất nước từng cấm trang điểm.

Chiếc lọ đá tìm thấy ở Iran được chạm khắc bằng tay, có định tuổi carbon từ năm 1936 TCN đến 1687 TCN, được làm bằng khoáng chất clorit, có một lỗ trên đỉnh để chiết chất bên trong. Giới khảo cổ xác định đây là dạng son môi thời kỳ đồ đồng có thể dùng cọ để lấy son. Sau khi phân tích sản phẩm làm đẹp màu đỏ đậm này vào tháng trước, nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trên trang Scientific Reports.

Massimo Vidale, một trong 7 nhà khoa học tham gia nghiên cứu, tuyên bố : “Điều quan trọng cần lưu ý là với kiến ​​thức hiện tại, chúng tôi đưa ra giả thuyết về một loại sơn môi chứ không phải một loại son môi đặc”. 

Sản phẩm làm đẹp cổ xưa này có chiều cao khoảng 5cm, rộng 2cm, giống như một phiên bản nhỏ hơn của hộp đựng son môi hình trụ truyền thống. Vidale nói với The Washington Post: “Vì có hình dạng giống một đốt mía đầm lầy, nên nó rất nhỏ và dễ mang theo. Vào thời đó, người ta sử dụng những khúc mía thông thường làm hộp đựng, nhưng cái này được làm bằng một loại đá rất chắc chắn”.

thoi-son-lau-doi-nhat-1-1710409035.jpg
Thỏi son cổ được khai quật tại Iran - quốc gia từng cấm trang điểm. Ảnh: Internet

Các nhà khoa học cho biết vật hình trụ này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2001 tại một nghĩa địa từ thiên niên kỷ thứ ba TCN, gần sông Halil ở tỉnh Kerman, phía đông nam Iran. Chiếc lọ có thể thuộc về nền văn minh Jiroft, ở thời đại đồ đồng và phải đến khi xảy ra lũ lụt gần sông người ta mới phát hiện ra nó. Giáo sư khảo cổ Vidale  cho biết chiếc hũ này gần gũi với hộp đựng son môi ngày nay.

Nhóm của ông Vidale đã kiểm tra vật liệu bên trong chiếc lọ đá cổ thì phát hiện son môi ở dạng bột do bị mất nước hơn 3.700 năm. Khi đặt dưới kính hiển vi, họ nhìn thấy những hạt có sắc tố sẫm, cho thấy sản phẩm ban đầu có màu "đỏ đậm".

Nghiên cứu sâu hơn, họ phát hiện tuýp này có các vật liệu tương tự như son môi mỹ phẩm ngày nay, chẳng hạn như dầu thực vật, sáp. “Kết hợp lại với nhau, đây chính xác là những gì người ta mong đợi ở một thỏi son hiện đại", ông Vidale viết trong email gửi tờ Washington Post. Ngoài ra, họ còn phát hiện các thành phần như hematit – một khoáng chất oxit sắt có màu đỏ như máu.

Mặc dù son môi đã tồn tại ít nhất 5.500 năm nhưng các nhà nghiên cứu vẫn rất ngạc nhiên khi tìm thấy loại son môi lâu đời nhất thế giới được biết đến ở Iran - quốc gia từng cấm trang điểm và mỹ phẩm. Đất nước này đã cấm các sản phẩm làm đẹp sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 nhưng cuối cùng đã nới lỏng các hạn chế, chỉ cho phép phụ nữ không làm việc trong chính phủ và sinh viên y khoa được trang điểm. 

Trong khi nhóm của Vidale say mê với việc phát hiện ra thỏi son lâu đời nhất, họ không chắc nó thuộc về ai và cho rằng đó là một phần trong tang lễ thời Jiroft. Người ta có thể trang điểm cho người chết hoặc đây là tài sản của người quá cố, không thể để người khác sử dụng nên được chôn cùng.

Xem thêm: Người phụ nữ bán trứng ở Hà Nội tá hỏa khi thấy bọc tiền khủng trong xe lúc đi giao hàng