Phẫu thuật cứu sống kịp thời cho bệnh nhân có khối u thận hiếm gặp

Người đàn ông có khối u bướu tuyến thượng hai bên to 15cm đang chảy máu vừa được cứu sống. Bác sĩ nhận định, đây là một trường hợp hiếm gặp.

Ngày 10/11, tin từ Bệnh viện Bình Dân Tp.HCM cho biết, đơn vị vừa cứu sống một bệnh nhân có khối u tuyến thượng thận lớn, đang chảy máu, để điều trị cho trường hợp bệnh khó và hiếm gặp này, các bác sĩ chuyên khoa sâu đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ.

Theo đó, bệnh nhân là ông N.T.H, 58 tuổi, Tp.HCM nhập cấp cứu Bệnh viện Bình Dân với triệu chứng đau hông lưng 2 bên, đau lan xuống vùng bụng, huyết áp cao, mệt lả và xanh xao.

Người bệnh lập tức được thực hiện các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Chỉ số Hematocrit (đo tỷ lệ thể tích hồng cầu trong thể tích máu toàn phần) lúc nhập viện chỉ còn 17% cho thấy người bệnh đang trong tình trạng thiếu máu.

Kết quả CT-scan có thuốc cản quang cho thấy, người bệnh có đến hai khối bướu tuyến thượng thận kích thước rất lớn, khoảng 15 cm và viêm dính xung quanh. Các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu nhận định đây là trường hợp hiếm gặp, ngay cả trong y văn thế giới cũng chưa ghi nhận nhiều trường hợp tương tự.

Sức khỏe - Phẫu thuật cứu sống kịp thời cho bệnh nhân có khối u thận hiếm gặp

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp.

Bướu tuyến thượng thận có thể hình thành ở một hoặc cả hai tuyến thượng thận. Cơ quan này sản xuất ra các hormone góp phần điều hòa trong cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa phức tạp, điều hòa huyết áp động mạch, cân bằng nước-điện giải, chống stress. Trong đó, ung thư tuyến thượng thận có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường ảnh hưởng nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn từ 40 đến 50 tuổi.

Bệnh nhân H. có các vấn đề sức khoẻ trước phẫu thuật cần chú ý bao gồm: bướu tuyến thượng thận kích thước lớn đang xuất huyết, viêm dính phức tạp kèm xuất huyết, thiếu máu nặng là những thử thách cho các bác sĩ điều trị.

Nhận thấy mức độ phức tạp của trường hợp này, bác sĩ các chuyên khoa Tiết niệu, Nội tiết và Gây mê hồi sức đã hội chẩn để lên kế hoạch điều trị tốt nhất, đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật và người bệnh được theo dõi nội tiết sau phẫu thuật. Cắt bỏ tuyến thượng thận 2 bên là một phẫu thuật hiếm, gây nhiều khó khăn, thách thức.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Luông, Phó Trưởng khoa Niệu A Bệnh viện Bình Dân, thành viên nhóm bác sĩ phẫu thuật cho biết: “Cuộc phẫu thuật rất căng thẳng do khối bướu dính vào tĩnh mạch chủ và các cơ quan lân cận, bướu xuất huyết nên chảy máu nhiều khoảng 2000ml máu. Khi bóc tách khối bướu hai bên ra khỏi mạch máu lớn và ruột xung quanh, chúng tôi phải cẩn trọng, tỉ mỉ từng chi tiết và phối hợp với bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm”.

Sức khỏe - Phẫu thuật cứu sống kịp thời cho bệnh nhân có khối u thận hiếm gặp (Hình 2).

Hình minh họa phẫu thuật u tuyến thượng thận.

Sau 4 giờ thực hiện với sự nỗ lực và phối hợp đa chuyên khoa, khối bướu hai bên với kích thước khoảng 15cm mỗi bên được lấy ra khỏi cơ thể trong sự an toàn.

Sau phẫu thuật 2 ngày, diễn tiến sức khoẻ của người bệnh tốt, các chỉ số sinh hiệu ổn và có thể vận động nhẹ nhàng tại giường. Những ngày tiếp theo người bệnh có thể ăn uống, đi lại và xuất viện sau sau 1 tuần.

Bác sĩ Luông cho biết thêm: Trong đa số các trường hợp bướu tuyến thượng thận, người bệnh thường có bướu một bên, sau khi phẫu thuật cắt bướu, vẫn còn tuyến thượng thận ở bên còn lại để thực hiện chức năng sản sinh nội tiết. Bướu ở cả hai tuyến thượng thận như trường hợp ông N. rất hiếm gặp, ngay cả tại những trung tâm niệu khoa lớn trên thế giới.

Bướu thượng thận hai bên có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ phát hiện ngẫu nhiên không có triệu chứng đến biểu hiện lâm sàng toàn thân nghiêm trọng. Để đảm bảo cho người bệnh không bị ảnh hưởng về chức năng nội tiết, sau khi cắt bỏ cả hai bên tuyến thượng thận, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa nội tiết tiếp tục theo dõi và được điều trị bằng liệu pháp nội tiết thay thế.

Chia sẻ thêm về vai trò của phối hợp đa chuyên khoa trong phẫu thuật cho trường hợp người bệnh H., Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Đỗ Anh Vũ, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức cho biết: Trường hợp ông H., ngoài việc kiểm soát chảy máu do u xuất huyết, bác sĩ phẫu thuật đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ gây mê hồi sức và nội tiết, nhằm tối ưu hóa huyết động học, kiểm soát đường huyết, điện giải... cả trước, trong và sau phẫu thuật.

Điều này nhằm giữ an toàn tính mạng người bệnh vì khi cắt tuyến thượng thận. Nếu người bệnh rơi vào tình huống suy tuyến thượng thận cấp đòi hỏi phải được bù đắp nội tiết kịp thời để đảm bảo nội tiết cho các quá trình chuyển hoá phức tạp, nhất là các catecholamine của tuỷ thượng thận có tác dụng điều hoà huyết áp động mạch.

Nguyễn Lành