BA.2 được các nhà khoa học gọi là phiên bản "tàng hình" của Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu Omicron tàng hình có khả năng lây lan nhanh hoặc gây bệnh trở nặng hơn so với Omicron tiêu chuẩn (BA.1) hay không.
Kể từ tháng 11/2021, Omicron tàng hình đã xuất hiện ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới, với hơn 8.000 ca nhiễm. Đến nay, Đan Mạch dường như là nước ghi nhận số ca lây nhiễm BA.2 nhiều nhất, với 6.411 ca mà nước này báo cáo với Sáng kiến khoa học toàn cầu (GISAID) vào tuần trước.
Trong thông báo ngắn mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ: "Trong khi BA.1 trước đây là dòng chủ đạo (gây ra số ca nhiễm nhiều) nhất, thì xu hướng (lây nhiễm) gần đây ở Ấn Độ, Nam Phi, Vương quốc Anh và Đan Mạch cho thấy BA.2 đang ngày càng gây ra nhiều ca bệnh."
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, biến thể Omicron được chia thành 3 dòng là BA.1, BA.2 và BA.3. Trong đó, BA.1 là dòng phổ biến nhất. Còn BA.2 được gọi là dòng tàng hình, khó phát hiện hơn vì dòng này không có đột biến mất đoạn trong gien S, vốn là đặc điểm của virus Omicron nguyên bản.
Đặc điểm sinh học và khả năng lây truyền của BA.2 có thể khác với Omicron phiên bản gốc, vì dòng này có nhiều khác biệt về bộ gien. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận cuối cùng về tác động của BA.2, giới chuyên gia cần nghiên cứu sâu hơn và tiếp tục theo dõi trong thời gian dài.
Trước đó, các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 16/12 đã gọi biến thể Omicron là "mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với nền y tế công cộng toàn cầu", cho rằng điều cấp bách "hơn bao giờ hết" lúc này là các quốc gia phải "hợp tác chặt chẽ".
Trong thông báo, Anh - nước Chủ tịch G7 năm nay - cho biết: "Chúng tôi quan ngại về số các ca tăng và đồng ý rằng những diễn biến mới nhất có thể được xem là mối đe dọa lớn nhất hiện nay với tình hình sức khỏe y tế công cộng toàn cầu. Điều quan trọng hơn hết lúc này là hợp tác chặt chẽ, theo dõi và chia sẻ dữ liệu".