Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Tranh chấp trong các vụ án hầu hết đều có nguyên nhân từ đất đai

Đặc biệt quan tâm đến Luật Đất đai, ĐBQH Trần Công Phàn bày tỏ có những nơi xuống cấp đạo đức trong gia đình, xã hội cũng bắt đầu từ đất đai.

Ngày 30/9, tại Trụ sở Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội, và Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Người Đưa Tin phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Những định hướng chính sách lớn về đảm bảo quyền của người sử dụng đất".

Bên lề Hội thảo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV về những vấn đề xoay quanh dự thảo Luật này.

NĐT: Thưa Phó Chủ tịch Trần Công Phàn, Hội Luật gia Việt Nam là thành viên trong ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), xin ông đánh giá Luật đất đai có những vướng mắc, bất cập như thế nào?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Luật Đất đai là luật rất khó, so với luật khác, Quốc hội dự kiến có 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến sau đó thông qua. Việc sửa Luật Đất đai sẽ liên quan đến rất nhiều luật khác. Theo tính toán ban đầu, Luật Đất đai liên quan đến 112 luật khác, thậm chí có những luật không có liên quan, cho nên đây là việc khó.

Tuy nhiên, có một thuận lợi là vừa qua Trung ương đã ra Nghị quyết 18 xem như đây là một cơ sở hết sức quan trọng cho việc sửa đổi, tiến hành sửa đổi Luật này là cụ thể hóa những chính sách, chủ trương của Nghị quyết này.

NĐT: Liên quan đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, theo ông cần phải lưu tâm thêm những gì về quyền này trong dự thảo Luật?

Tiêu điểm - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Tranh chấp trong các vụ án hầu hết đều có nguyên nhân từ đất đaiTS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV nói về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai.

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Đây là vấn đề lớn, liên quan đến toàn dân, đến cả xã hội nên các cơ quan, các bộ các cấp đang bàn về vấn đề này.

Hội Luật gia Việt Nam tập hợp những người làm công tác pháp luật, cho nên những gì khó Hội sẽ có ý kiến thiết thực hơn từ kinh nghiệm thực tiễn, từ những gì đã lắng nghe từ buổi hội thảo vừa được tổ chức.

Chúng tôi không chỉ tổ chức một hội thảo mà còn nhiều hội thảo, nhiều vấn đề lớn làm sao khi sửa đổi Luật Đất đai, lợi ích của các bên tham gia, các thành phần trong xã hội phải đảm bảo, đó là vấn đề rất lớn và khó liên quan đến quyền sử dụng đất.

Chúng ta vẫn nói rằng sử dụng đất là của người dân nhưng sở hữu đất là Nhà nước đại diện thực hiện. Bây giờ phải làm rõ vấn đề này trong dự thảo. Sở hữu có những quyền gì và khi nào toàn dân mới có thể quyết định được, còn người được đại diện quyền sở hữu đó có quyền đến đâu. Đấy chính là vấn đề quan trọng. Người dân, thành phần sử dụng đất có những quyền gì? Đây là những vấn đề rất lớn phải giải quyết trong dự thảo.

NĐT: Trong quá trình công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân, theo ông những vụ án dân sự, hình sự, kinh tế phải chăng đều có nguyên nhân liên quan đến đất đai?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Trong chương trình hành động khi tiếp xúc cử tri vận động để trở thành Đại biểu Quốc hội tôi từng nói là tôi rất quan tâm đến Luật Đất đai. Lý do là bởi, thực tiễn làm công tác trong ngành pháp luật nhiều năm, tôi thấy rằng tranh chấp trong hình sự, tranh chấp trong kinh tế rồi những vụ án dân sự, hình sự, kinh tế đều có nguyên nhân từ đất đai. Những vụ khiếu kiện 80-90% cũng đến từ đất đai.

Thậm chí, có những nơi đạo đức trong gia đình, đạo đức xã hội xuống cấp cũng bắt nguồn từ đất đai, bố mẹ, anh chị em có khi cũng bất đồng vì đất đai. Do còn nhiều vướng mắc nên chúng ta cần tập trung sửa đổi Luật Đất đai.

Tiêu điểm - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Tranh chấp trong các vụ án hầu hết đều có nguyên nhân từ đất đai (Hình 2).                             Sửa Luật Đất đai là vấn đề lớn, liên quan đến toàn dân, đến cả xã hội.

NĐT: Ông đánh giá như thế nào về ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong buổi hội thảo được Hội Luật gia tổ chức?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Tôi đã tham dự nhiều hội thảo ở nhiều bộ ngành về dự thảo Luật này. Những ý kiến đóng góp phát biểu của các đại biểu, người tham luận rất sôi nổi, thoải mái, xuất phát từ trách nhiệm, từ tâm, từ tinh thần làm luật để Luật Đất đai trở nên tốt hơn.

NĐT: Thưa ông, nếu được sửa đổi và đưa vào thực tiễn, Luật Đất đai sẽ tháo gỡ được những vướng mắc như thế nào?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Luật Đất đai 2013 có nhiều vướng mắc như khung giá đất, giao đất, giải toả, đền bù. Đây đều là những vấn đề rất vướng và vướng hàng ngày, những việc này cần phải tháo gỡ.

Sau hội thảo này, Hội Luật gia sẽ có những tập hợp, phản ánh trung thực ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong việc sửa đổi luật.

NĐT: Xin cảm ơn ông.