Phụ huynh bế tắc khi dạy con học Tiếng Việt lớp 1

Nhiều phụ huynh than chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới nặng nề. Nếu không ép con học, trẻ sẽ thụt lùi so với bạn bè.

Từ khi con vào lớp 1, cuộc sống của chị Linh Giang (Hà Nội) đảo lộn. Tối nào, chị cũng dành hai tiếng để cùng con vật lộn với luyện viết, đánh vần.

“Con càng học càng sợ. Còn tôi thì bế tắc lắm”, bà mẹ trẻ chia sẻ về hành trình học chữ gian nan của con.

Khối lượng kiến thức lớn khiến học sinh lớp 1 sợ học. Ảnh: Linh Giang.

Học ngày, học đêm

Hồi học mẫu giáo, con chị Linh Giang đã học chữ cái, chưa ghép vần. Ban đầu, chị nghĩ con mới học lớp 1, cho bé làm quen với kiến thức dần. Thế nhưng, chỉ sau mấy ngày, chị “choáng”.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trường con chị chọn bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. 80% học sinh trong lớp đã học trước từ hè, thành thạo ghép vần, đọc trơn.

Trong khi đó, con chị mới chỉ biết chữ cái. Sau 3 tuần, bé chưa thuộc hết âm ghép, ghép vần chậm, thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở.

Ngoài việc học ở trường, mỗi ngày, giáo viên giao bé 5 tờ bài tập mang về, kèm phiếu đọc. Do đó, tối nào, chị cũng dành hai tiếng để kèm con học.

Không chỉ chị Linh Giang, chị Ngọc Minh (Hà Nội) cũng trải qua 3 tuần đầy khó khăn của năm học mới.

Chị Minh thậm chí không ngờ ngay từ lớp đầu tiên, việc học đã gây mệt mỏi cho hai mẹ con đến thế.

Con chị Minh học theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Theo chị, chương trình môn Tiếng Việt quá nặng.

Mỗi buổi, học sinh học hai chữ, đi kèm với từ ghép. Ví dụ gh-ghẹ, g-gà. Sau đó, con đọc đoạn văn cuối bài và trả lời câu hỏi.

Bà mẹ này cho biết thêm nhiều phụ huynh trong nhóm chung của lớp cũng than phiền về khối lượng kiến thức các con phải học.

“Không chỉ con áp lực mà cha mẹ cũng rất căng thẳng khi hàng đêm phải ngồi cùng con từ 19h30 đến 22h30. Nhiều hôm, con không đủ thời gian để học vì riêng Tiếng Việt đã chiếm đến hai tiếng”, chị Ngọc Minh chia sẻ.

Mới lớp 1, con trai chị đã vùi đầu học đêm ngày. Hàng ngày, ngoài giờ học ở lớp, bé phải hoàn thiện vở luyện viết mẫu chữ ô ly (tiếp tục bài học ở lớp), luyện viết bảng chữ đã học trong ngày, luyện viết ở vở hướng dẫn học theo mẫu của giáo viên viết trên bảng, chuẩn bị bài cho ngày mai.

Với chương trình mới, phụ huynh bắt buộc đồng hành cùng con. Vì thế, thay vì nghỉ ngơi sau ngày làm việc, chị Minh lại phải kèm con luyện chữ, quay video con tập đọc để nộp giáo viên, kiểm tra vở bài tập Tiếng Việt.

“Như vậy, hầu như cha mẹ phải đồng hành, gánh vác việc học của con cùng thầy cô. Nếu cha mẹ nào không ôn cùng, con sẽ hoàn toàn bị tụt lại so với các bạn”, phụ huynh nói.

Không chỉ chương trình học quá nhiều, con trai chị còn than phiền các câu chuyện trong sách giáo khoa rất khó đọc, nội dung không hay.

Chị Ngọc Minh cho rằng chương trình Tiếng Việt lớp 1 quá nặng. Ảnh: Ngọc Minh.

Trẻ sợ học

Với chương trình học như vậy, con trai chị Ngọc Minh chỉ được nghỉ ngơi vào ban ngày của thứ bảy, chủ nhật. Tối nào, kể cả cuối tuần, hai mẹ con cũng vật lộn với luyện viết, đánh vần. Chỉ sau 3 tuần học, con gầy đi trông thấy.

“Mặt con hóp lại, ngồi học mệt mỏi. Nhiều lúc, tôi thương con, không dám ép con học, sợ bé bị ảnh hưởng tâm lý, thần kinh”, chị tâm sự.

Bản thân chị cũng mệt mỏi không kém vì ngày đi làm, tối “chiến đấu” với con. Họ không còn cách nào khác, ngoài việc lên nhóm chung tâm sự, giải tỏa căng thẳng, động viên nhau cùng còn vượt qua thời kỳ đầu khó khăn.

Không chỉ con áp lực mà cha mẹ cũng rất căng thẳng khi hàng đêm phải ngồi cùng con từ 19h30 đến 22h30. Nhiều hôm, con không đủ thời gian để học vì riêng Tiếng Việt đã chiếm đến hai tiếng.

Phụ huynh Ngọc Minh

Theo chị Minh, bất lực, mệt mỏi, căng thẳng, sợ con không lên nổi lớp là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh lớp con chị. Nhiều người phải đè nén cơn giận để kèm con học nên lại càng chán nản, ức chế.

Chị Linh Giang cũng bế tắc không kém trước việc học của con. Sau 3 tuần, bé càng ngày càng sợ học, cứ vào giờ học là khóc, tìm cách trốn tránh.

Thấy nhiều bạn của con sụt cân, chị cũng lo cho sức khỏe của con mình nhưng không bắt học không được.

“Nhiều khi, tôi muốn khùng lên luôn. Cứ đến giờ học, mẹ con lại không muốn nhìn mặt nhau”, chị Giang bất lực.

Họ chỉ hy vọng khi con thuộc hết mặt chữ, mọi chuyện sẽ đỡ hơn. Mỗi lần chán chường với việc kèm con học mỗi tối, chị Ngọc Minh lại tự động viên “chuyện gì cũng sẽ qua thôi” để lấy lại bình tĩnh, kèm con học tiếp.

Hơn nữa, chị tự nhận mình còn may mắn hơn nhiều cha mẹ khi quyết tâm dạy con học chữ từ trước nên không đến mức “phát điên” vì con học chữ này, quên chữ khác.

Chị cũng không đặt quá nhiều áp lực lên con, chỉ cần bé biết đọc, viết, luyện chữ đúng kỹ thuật là đủ.

Khi thấy chương trình học quá nặng, chị điều tiết, chấp nhận để con chậm hơn bạn bè trong lớp, tránh con bị áp lực, có năng lượng để đảm bảo việc học ở trường.

“Con cũng tự giác học, nhưng không còn hứng khởi như ngày đầu tiên nữa. Tôi chỉ mong chương trình đỡ nặng, để con chỉ cần học ở trường. Buổi tối, con nghỉ ngơi hoàn toàn hoặc ôn bài nhẹ nhàng thôi”, chị Ngọc Minh bày tỏ.

2020-2021 là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Thay vì chỉ có một bộ sách, chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép các trường lựa chọn các bộ sách bao gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Cánh diều.