Gần 10 năm rời showbiz để chăm lo cho gia đình và chuyện "cơm áo gạo tiền", rapper Tiến Đạt tìm lại được năng lượng và đam mê âm nhạc ngay trên sân khấu của Anh trai vượt ngàn chông gai. So với hình ảnh của một ngôi sao nhạc rap "máu lửa" ở thập niên 2000, Tiến Đạt lúc này có sự từng trải, thay đổi rất nhiều ở cương vị một người chồng, người cha. Trong hành trình ấy, anh học được bài học về trách nhiệm và sự kiên nhẫn khi cùng con vượt qua chứng chậm nói. Nam nghệ sĩ cho rằng mỗi đứa trẻ đều là một bản thể độc lập và luôn cần sự yêu thương, che chở của cha mẹ để hoàn thiện bản thân.
- Khi Tiến Đạt xuất hiện trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai", khán giả thấy hào quang của rapper nổi tiếng thập niên 2000 đã trở lại. Nhiều người gọi đó là sự "tái sinh", còn bản thân anh nói gì về điều ấy?
Nếu để nói chính xác suy nghĩ về hành trình 1 năm qua, tôi nghĩ cụm từ "tìm lại chính mình" phù hợp với bản thân. Tôi từng chia sẻ, nếu từ bỏ điều gì quá lâu thì mình sẽ mất đi sự hứng thú, sáng tạo mỗi ngày. Từ lúc tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai, tôi đã tìm lại sự thân thuộc ấy và bắt đầu có nhiều cảm xúc mới mẻ.
Ngoài ra, tôi được khám phá nhiều khả năng khác từ các đồng nghiệp. Tôi nhìn họ như những người thầy để học và ráng bắt kịp. Ít nhất, tôi học được cách giao tiếp, bắt chuyện với mọi người, khả năng ăn nói cũng cải thiện so với trước.
- Anh tự đánh giá khả năng "tạo content" của mình thế nào sau khi tiếp xúc với các nghệ sĩ còn lại?
Tôi thấy mình… bằng 0 so với họ. Trước đó, tôi từng nghĩ vào gameshow sẽ tìm cách "chiếm spotlight", chịu khó tạo mảng miếng, chiêu trò (cười). Cuối cùng, kế hoạch "phá sản" vì mình bị ngợp trước sự "lia lịa" của các bạn. Nhiều mảng miếng của mọi người mình còn chưa bắt kịp.
Đến giờ, vốn từ hay mảng miếng của tôi vẫn vậy (cười), chỉ là đã cập nhật hơn trước. Có lẽ do bản thân và khoảng cách thế hệ với những bạn nghệ sĩ trẻ. Mỗi giai đoạn đều có những xu hướng và cách tiếp cận khác nhau, như thời của tôi cũng có nhiều nghệ sĩ hài hước nhưng họ vui theo kiểu khác.
XEM VIDEO: Rapper Tiến Đạt "phá sản" kế hoạch khi tham gia "Anh trai vượt ngàn chông gai".
- Có người nói anh bây giờ có nhiều tài sản, đất đai... nên "lười" làm nhạc cũng dễ hiểu. Anh có lời giải thích nào không?
Chuyện kinh tế hay "cơm áo gạo tiền" là điều hiển nhiên phải suy tính. Với tôi, kinh doanh lúc này là ưu tiên. Tôi vẫn phải tiếp tục công việc hiện tại chứ không thể buông bỏ. Tôi đang quay trở lại âm nhạc với sự nghiêm túc, chỉn chu. Dù mình có thể không kiếm tiền nhiều từ lĩnh vực này bởi ra sản phẩm phải có đầu tư, nhưng khi nhìn vào thì bản thân thấy hài lòng với sự nghiêm túc ấy.
Ngoài âm nhạc, bây giờ tôi còn có những thứ quan trọng không kém là gia đình và kinh tế. Nếu để sắp xếp, tôi sẽ đặt gia đình ở vị trí thứ nhất, kế đến là kinh tế và âm nhạc. 2 khía cạnh này song song vì chúng sẽ bổ trợ tôi trong nhiều mặt của cuộc sống, giúp tôi chăm lo cho gia đình tốt hơn và có niềm vui để cân bằng mọi thứ.
XEM VIDEO: Tiến Đạt tự hào vì đã thay đổi được khả năng giao tiếp sau chương trình "Anh trai".
XEM VIDEO: Tiến Đạt thừa nhận có điểm mạnh hơn các rapper trẻ đang nổi hiện tại.
- Tiến Đạt trong vai trò "rapper" đã thay đổi nhiều sau chương trình, còn Tiến Đạt khi là người chồng, người cha ở nhà thì sao?
Tôi không rõ những bài học ấy áp dụng vào vai trò một người chồng, người cha ra sao, nhưng ít nhất tôi thấy vui vẻ, bớt căng thẳng hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tôi hiểu gia đình hơn, nhìn cách các "anh tài" có gia đình trao đổi, trò chuyện với vợ con để tự mình thay đổi tích cực. Đó vốn dĩ là điểm yếu, nhưng tôi đã cải thiện dần.
Trước đây có thể trong vài trường hợp, tôi xử lý vấn đề với tâm lý nóng nảy hay bực tức. Nhưng bây giờ nếu xảy ra chuyện tương tự, thì tôi vui vẻ giải quyết.
XEM VIDEO: Hậu gameshow, Tiến Đạt thừa nhận hiểu gia đình nhiều hơn.
- Không chỉ anh, bà xã cũng là người "vượt chông gai" khi phải quán xuyến công việc song song với chuyện con cái. Anh suy nghĩ gì về vợ của mình?
Cô ấy hy sinh rất nhiều cho tôi. Nếu không có sự quán xuyến chu toàn ấy thì tôi không có đủ thời gian cho chương trình hay để nghe nhạc. Suốt gần 10 năm không làm nghề, tôi cảm thấy mệt khi nghe nhạc, nên khi mình tìm lại cảm xúc ấy thì vợ phải làm rất nhiều thứ phía sau.
Khi không có lịch của chương trình, tôi vẫn cố gắng phụ vợ. Khi có vấn đề không hiểu nhau, tôi không làm ầm ĩ vì hiểu những mâu thuẫn gia đình sẽ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt.
XEM VIDEO: Ông bố 2 con tiết lộ sở thích "chọc vợ", không cấm cản bà xã mua sắm.
- Là người khá trầm tính, ít thể hiện, anh có bao giờ thấy bị "át vía" trước năng lượng và sự chủ động của vợ?
Có. Tôi nói đùa lâu lâu cảm giác như mình… bị cụt tay (cười). Cô ấy giỏi và tháo vát, đôi lúc tôi chưa kịp nghĩ đến những tình huống hay cách xử lý thì vợ đã chuẩn bị sẵn rồi. Nhiều việc tôi có thể làm nhưng bà xã luôn chủ động làm chứ không chờ đợi.
Tôi cho rằng trong một gia đình, sự hòa thuận quan trọng hơn việc ai giỏi hơn ai. Không phải lúc nào cũng "gia trưởng mới lo được cho em". Chưa chắc! Tôi hiểu vợ đang rất giỏi trong vấn đề đó. Khi cô ấy giỏi hơn, thì mình không cần "nhảy dựng" lên để đòi quyền được làm những điều mà chưa chắc sẽ có kết quả tốt hơn.
XEM VIDEO: Nam rapper khẳng định: "Gia trưởng chưa chắc lo được cho em".
- Là một người có gen bất lợi về ngôn ngữ, khi sống chung với bà xã giỏi giao tiếp và hoạt ngôn thì cách anh thể hiện trong những tình huống cả 2 mâu thuẫn là gì?
Tôi "bí" từ ngữ hoài trước vợ. Lúc đó, tôi chỉ biết dừng lại vì sợ sẽ nói ra những điều không phù hợp (cười).
Trong gia đình, khi vợ chồng có mâu thuẫn thì tôi thường im lặng nhưng sẽ tìm ra vấn đề, chứ không đòi hỏi phải "ra ngô ra khoai" ngay lúc đó. Tôi sẽ chọn thời điểm phù hợp để nói chuyện với vợ. Nếu cả 2 đang hiểu sai đối phương thì chúng tôi sẽ trao đổi từ từ. Tôi thấy không cần thiết phải rạch ròi chuyện "anh đúng - em sai" hay ngược lại. Cốt lõi của vấn đề là chúng tôi hiểu đối phương hơn.
XEM VIDEO: Tiến Đạt thay đổi góc nhìn về chuyện đàn ông sử dụng mỹ phẩm, bị vợ "ép" làm đẹp.
- Với khối lượng công việc hiện tại của 2 vợ chồng ở nhiều lĩnh vực, sự kết nối của anh với các con thế nào?
Dù bận rộn nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng giữ nguyên tắc là sáng cùng đưa con đi học, chiều tranh thủ thời gian cùng đón 2 bé về. Khi ở nhà, tôi cố gắng sắp xếp để chơi với con, đến khuya vợ chồng sẽ phân công việc ru con ngủ. May mắn gia đình còn nhiều thành viên khác hỗ trợ, chơi đùa cùng 2 bé những lúc tôi tham gia chương trình hay vợ quán xuyến việc kinh doanh.
Vợ chồng tôi có thói quen đưa con đi các trung tâm mua sắm hay công viên. Khi đi chơi, 2 bé sẽ hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử. Ở nhà, tôi cũng hay tập hát với con, hoặc có thể thuê giáo viên để hướng dẫn các con tập vẽ chung, chơi thủ công… chứ không ép con học quá nhiều. Ít nhất họ cũng có kỹ năng sư phạm, giỏi hơn tôi về mặt truyền đạt nên cách dạy cũng tốt hơn, dễ lôi kéo sự tò mò của trẻ. Tôi thấy các con thích những hoạt động này.
XEM VIDEO: Thói quen dẫn 2 con trai đi trung tâm thương mại, công viên của gia đình Tiến Đạt.
- Tiến Đạt từng kể bé Finn (con trai đầu lòng) bị chậm nói vì ảnh hưởng gen bất lợi về ngôn ngữ từ bố. Hiện tại, bé đã cải thiện tích cực thế nào?
Tôi thấy bé Finn phát triển tốt hơn sau khi được đi chơi nhiều. Giai đoạn con chậm nói là lúc giãn cách xã hội vì dịch COVID-19. Tôi thấy đa số các bé ở độ tuổi của Finn đều bị ảnh hưởng hay gặp tình trạng tương tự vì các con bị nhốt trong nhà quá lâu. Bây giờ, Finn được đi chơi nhiều, tuy nói chậm hơn so với những đứa trẻ khác nhưng cải thiện rất nhiều so với trước.
- Thời điểm phát hiện con có dấu hiệu chậm nói, 2 vợ chồng đã suy nghĩ điều gì?
Vợ chồng tôi đều lo, sau đó tìm hiểu để biết nguyên nhân từ đâu và bù đắp thiếu sót cho con. Nhưng những người tiếp xúc với câu chuyện của gia đình tôi đều nói chung chung, có người nói con bình thường và cũng có người nói bé Finn "có vấn đề". Chúng tôi mua nhiều sách, đọc rất nhiều tài liệu để đối chiếu. Khi biết một phần vì hoàn cảnh và môi trường xung quanh, 2 vợ chồng khắc phục dần.
XEM VIDEO: Con trai 5 tuổi của Tiến Đạt cải thiện vấn đề chậm nói nhờ được đi chơi nhiều, biết bày tỏ cảm xúc bằng hành động.
- Từ câu chuyện đó, gia đình đúc kết được kinh nghiệm gì trong quá trình nuôi dạy bé thứ 2?
Khi biết môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, chúng tôi cho các bé đi chơi nhiều hơn, thay vì suy nghĩ việc ở trong nhà sẽ tốt cho trẻ hay ép học nhiều. Tôi nghĩ các con cần được tự do chơi đùa, giao tiếp nhiều với bạn bè đồng trang lứa. Trộm vía khi áp dụng, tôi thấy bé thứ 2 rất lanh lợi, nói chuyện líu lo.
Trước mắt, tôi cảm nhận tính cách của 2 con khác nhau vì lớn lên trong môi trường khác nhau. Một bé thích chơi đùa, một bé có đôi chút rụt rè. Bù lại, anh Finn rất tình cảm, thường bày tỏ cảm xúc bằng hành động thay vì nói câu yêu thương. Khi cậu ấy cảm thấy nhớ thì sẽ chạy tới ôm hôn các thành viên trong nhà, sau đó đi chơi tiếp. Tôi nghĩ vấn đề ngôn ngữ của con sẽ sớm được cải thiện. Quan trọng là bé vẫn có kỹ năng, tình cảm bình thường.
- Gần đây, có nhiều câu chuyện được xã hội quan tâm khi những đứa trẻ bị dồn ép trong môi trường phát triển giáo dục khiến tâm lý ảnh hưởng, dẫn đến hành động tiêu cực. Ở góc độ phụ huynh, cách giáo dục và định hướng của anh dành cho 2 con thế nào?
Tôi không đánh giá bất kỳ gia đình nào vì mình không sống với họ. Cá nhân tôi thích con cái lúc nào cũng được vui cười và lớn lên có ích cho xã hội. Tôi không đặt nặng chuyện con lớn lên sẽ phải trở thành "ông này, bà kia". Chỉ cần các con được làm điều chúng mong muốn và sống thoải mái, vui vẻ.
Khi các con đi học, tôi quan điểm rất rõ rằng nếu học dở thì ở lại lớp. Tôi cũng không so sánh chuyện điểm số với con hàng xóm. Vợ chồng tôi thống nhất không đem con mình so sánh với con nhà người khác vì chúng là những bản thể khác nhau. Thời của tôi đi học, bố mẹ cho tôi được tự do làm những điều mình muốn, kể cả chuyện học dở cũng ráng chịu.
XEM VIDEO: Vợ chồng Tiến Đạt thống nhất quan điểm nuôi dạy 2 con trai.
- Gia đình có suy tính chuyện có thêm con gái để "đủ nếp đủ tẻ" hay không?
Tôi cũng nghĩ tới, nhưng còn phải tính toán. Gia đình tôi đều thích có một bé gái nhưng chẳng biết có đủ thời gian dành cho các con không nếu "tăng nhân khẩu" lúc này. Nếu chỉ vì thích có con gái mà việc chăm sóc các bé còn lại không tốt, không theo dõi hay chia đủ tình thương cho các con thì không phải điều tốt.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!