Sai lầm khi ngủ trưa có thể gây hại cho tính mạng

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những người thường xuyên ngủ trưa đối mặt nguy cơ bị cao huyết áp, đột quỵ nhiều hơn.

Theo đó, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã nghiên cứu thông tin do Biobank - cơ quan dữ liệu y sinh của Anh - cung cấp. Họ phân tích thông tin di truyền, lối sống và sức khỏe từ nửa triệu người trong độ tuổi 40-69, sống ở Vương Quốc Anh. Những người từng đột quỵ hoặc huyết áp cao bị loại khỏi nghiên cứu, chỉ còn khoảng 360.000 người tham gia.

Các tình nguyện viên cung cấp mẫu máu, nước tiểu và nước bọt cũng như thông tin về lối sống. Họ được hỏi về thói quen ngủ trưa 4 lần từ năm 2006 đến 2019 và báo cáo tần suất ngủ trưa theo các mức là “không bao giờ/hiếm khi”, “thỉnh thoảng” hoặc “thường xuyên”.

Kết quả, nếu một người dưới 60 tuổi ngủ trưa hầu hết ngày trong tuần sẽ làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp lên 12%, đột quỵ cao hơn 24% so với nhóm hiếm hoặc không bao giờ ngủ trưa. Đặc biệt, kết quả này vẫn đúng ngay cả khi họ loại bỏ những người có nguy cơ bị tăng huyết áp như người mắc tiểu đường type II, cholesterol cao, rối loạn giấc ngủ, làm ca đêm.

Michael Grandner, Giám đốc Phòng khám Y học về Giấc ngủ Hành vi tại Trung tâm Y tế Đại học Banner ở Tucson, Arizona, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định bản thân việc ngủ trưa không có hại, song nó sẽ gây tác dụng ngược khi mọi người ngủ quá nhiều vào buổi trưa và thức muộn vào buổi tối.

"Ngủ kém vào ban đêm có liên quan đến sức khỏe yếu hơn và giấc ngủ ngắn buổi trưa không đủ để bù đắp điều đó", Grandner nói.

Nghiên cứu đăng hôm 25/7 còn cho thấy những người thường xuyên ngủ trưa có nguy cơ bị mất ngủ hơn những người không ngủ trưa. Họ cũng có nhiều khả năng uống rượu, hút thuốc lá, có trình độ học vấn và thu nhập thấp hơn những người không có thói quen ngủ trưa hoặc ngủ ít.

Tuy nhiên, hạn chế của công trình là các chuyên gia không có thông tin về tổng thời gian ngủ trưa, vì vậy không rõ liệu yếu tố này có tác động lên kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, những người tham gia cũng tự báo cáo về giấc ngủ của họ, vì vậy các nhà nghiên cứu không có dữ liệu khách quan về tần suất hoặc chất lượng của giấc ngủ ngắn này.

Theo Tiến sĩ Raj Dasgupta, Đại học Nam California, nghiên cứu chỉ thu thập tần suất ngủ trưa mà không phải thời lượng. Nó cũng chỉ dựa trên báo cáo của bản thân tình nguyện viên về việc ngủ trưa. Đây là hạn chế lớn nhất của nghiên cứu này.

"Họ không định nghĩa giấc ngủ ngắn là gì. Ví dụ, nếu bạn định ngủ 1 tiếng, 2 tiếng, thì đó không hẳn là giấc ngủ ngắn", Tiến sĩ Raj Dasgupta, người không tham gia vào nghiên cứu, nói.

Theo chuyên gia này, giấc ngủ ngắn 15-20 phút vào khoảng giữa trưa đến 14h là thói quen tốt nhất nếu bạn bị thiếu ngủ. Nhưng nếu bị chứng mất ngủ kinh niên, ông không khuyến khích ngủ trưa vì nó sẽ ảnh hưởng giấc ngủ ban đêm.

Tiến sĩ Dasgupta nói: "Giấc ngủ kém gây ra sự mệt mỏi quá mức vào ban ngày và có thể dẫn đến việc ngủ trưa nhiều hơn".

Ông cho rằng giấc ngủ trưa là dấu hiệu cảnh báo về chứng rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn ở một số người. "Rối loạn giấc ngủ có liên quan tăng căng thẳng và hormone điều chỉnh cân nặng, có thể dẫn đến béo phì, huyết áp cao, tiểu đường type II. Tất cả điều này đều là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim", ông nói.

Tháng 6, Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã bổ sung ngủ đủ giấc vào danh sách kiểm tra sức khỏe tim mạch. Theo đó, cho dù bạn có ngủ trưa hay không, ngủ đủ giấc vào ban đêm là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.

Theo các nhà thần kinh học, hầu hết người lớn nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra thiếu ngủ liên quan đến cholesterol cao và cao huyết áp.

Trong khi ngủ ngon giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường sức khỏe tinh thần và sự tập trung, cũng như cải thiện thể lực. Ngủ đủ giấc còn có thể giúp bạn giảm cân.

Để có giấc ngủ ngon, chuyên gia khuyến nghị mọi người hãy cố gắng tập thể dục thường xuyên, dành thời gian sưởi nắng và tránh caffeine.