50% sàn giao dịch phía Nam đứng trước nguy cơ phá sản
“Ngay từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, thị trường bất động sản (BĐS) lập tức hứng chịu hàng loạt khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng bởi quy định giãn cách xã hội và phòng chống dịch. Hàng nghìn nhà môi giới BĐS rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Chưa dừng lại, khó khăn về kinh tế, Covid-19 kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, hàng trăm đơn vị môi giới BĐS”, nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam.
Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra, đợt dịch này ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế, thị trường bất động sản và các sàn giao dịch. Tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh như Hà Nội, Tp. HCM, Đồng Nai, Bình Dương; thị trường BĐS càng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nhiều dự án phát triển BĐS đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.
Ông Hà cho hay: "Nhiều sàn môi giới BĐS đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng và khoản chi phí khác".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam chia sẻ: Hiện, các sàn giao dịch BĐS tại Tp. HCM đang sống chật vật trong suốt 2 tháng giãn cách vừa qua. Nếu không có sự hỗ trợ, rất có thể thị trường BĐS sẽ chứng kiến hàng loạt sàn giao dịch phá sản, đặc biệt là những sàn giao dịch yếu.
Theo ông Lâm, tại Tp. HCM, 70% sàn giao dịch rơi vào khó khăn, 30% sàn duy trì hoạt động, ổn định nhân sự. Trong đó, 50% sàn giao dịch có doanh thu chưa tới 10%, tức là dòng tiền của họ gần như bằng 0, đa phần là các sàn giao dịch nhỏ, mới thành lập. Các sàn này chính là đối tượng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch Covid-19 và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch đang phải đối mặt với làn sóng nghỉ việc ồ ạt của hàng nghìn nhân viên trong ngành môi giới BĐS.
“Do phải giãn cách xã hội trong nhiều ngày, không có việc làm, không có tiền tiêu, nhiều nhân viên môi giới sinh ra tâm lý chán nản, họ muốn về quê, hoặc thay đổi việc làm để ổn định cuộc sống. Như vậy, trong dài hạn, khi thị trường ổn định trở lại, lực lượng môi giới BĐS sẽ thiếu hụt. Đây là bài toán khó cho các sàn giao dịch”, ông Lâm nói.
"Cần cung cấp oxy"
Ngoài những khó khăn trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land còn chỉ ra thách thức lớn mà các sàn giao dịch, nhà đầu tư BĐS gặp phải là dòng tiền - làm sao đảm bảo dòng tiền trong khi doanh thu ngưng trệ.
"Dòng tiền cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không khác gì oxy, việc đảm bảo dòng tiền xuyên suốt cực kỳ quan trọng", bà nói.
Ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cũng cho rằng: “Hiện nay, các doanh nghiệp, sàn giao dịch BĐS giống như đang bị nhiễm Covid-19, cần cung cấp oxy để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Trước những khó khăn của các sàn giao dịch BĐS, ông Phạm Lâm kiến nghị Chính phủ giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN (giảm 70% trong năm 2021) và hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động lại để giảm gánh nặng tài chính cho các sàn giao dịch BĐS.
Đồng thời, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam đề xuất Chính phủ xem xét giãn thêm thời gian nộp thuế đất và hỗ trợ các sàn giao dịch tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách ưu đãi.
Đồng thời, đẩy mạnh quan tâm đến việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các khu vực tình hình dịch bệnh phức tạp và cộng đồng doanh nghiệp BĐS.
Bên cạnh đó, ông Lâm kiến nghị các ngân hàng giảm lãi vay cho các sàn giao giao dịch BĐS, lùi thời hạn trả nợ để cho họ có khoảng thời gian phát triển, ổn định.
Dương Thị Thu Nga - Người Đưa Tin Pháp Luật