Sáng 18/10: Chỉ còn 3.413 bệnh nhân Covid-19 nặng; Y bác sĩ TP HCM đến hỗ trợ các tỉnh chống dịch

Đến nay đã có 791.844 bệnh nhân Covid-19 trong tổng số 864.053 ca mắc ở nước ta được chữa khỏi. Về các bệnh nhân đang điều trị hiện chỉ còn 3.413 ca nặng. Hàng loạt y bác sĩ TP HCM đến hỗ trợ các tỉnh chống dịch; Hà Nội gỡ chốt phong toả BV Việt Đức

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 864.053 ca mắc Covid-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.775 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 859.372 ca, trong đó có 789.027 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.

+ Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (417.724), Bình Dương (225.414), Đồng Nai (58.622), Long An (33.738), Tiền Giang (15.011).

Sáng 18/10: Chỉ còn 3.413 bệnh nhân COVID-19 nặng; Hàng loạt y bác sĩ TP HCM đến hỗ trợ các tỉnh chống dịch  - Ảnh 1.

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 17/10 là 1.340 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 791.844

2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.413 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.300

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 503

- Thở máy không xâm lấn: 116

- Thở máy xâm lấn: 473

- ECMO: 21

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 91 ca.

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.194 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 107.224 xét nghiệm cho 202.147 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.938.514 mẫu cho 57.727.568 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19

Tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm là 61.919.937 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 44.070.286 liều, tiêm mũi 2 là 17.849.651 liều.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 292.000 ca mắc Covid-19 và trên 4.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 241,4 triệu ca, trong đó trên 4,91 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (45.140 ca), Nga (34.303 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (24.114 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (997 ca), Mexico (313 ca) và Romania (298 ca).

Như vậy, diễn biến Covid-19 tại Nga vẫn nghiêm trọng khi số ca tử vong gần chạm mốc 1.000 ca trong 24 giờ qua và cao nhất thế giới, trong khi số ca mắc mới cao thứ hai thế giới.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có tổng ca mắc và tử vong cao nhất với trên 45,7 triệu ca mắc và trên 744.000 ca tử vong.

Hà Nội gỡ bỏ các chốt kiểm soát ở khu vực BV Việt Đức

Đúng 0h ngày 18/10, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành gỡ phong tỏa các chốt tại  khu vực BV Việt Đức sau 18 ngày cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19.

Về việc tháo gỡ chốt phong tỏa, đến thời điểm này đã đủ 14 ngày theo quyết định của phong tỏa áp dụng với tầng 7 và tầng 8 nhà D của BV Việt Đức.

Trước đó, ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã kỹ văn bản hoả tốc số 8798/ KCB- BYT gửi UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước và BV Việt Đức về việc đồng ý cho BV Việt Đức trở về trạng thái hoạt động bình thường mới từ 0h ngày18/10.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp và ban, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp với BV Việt Đức tiếp nhận người bệnh có đủ điều kiện ra viện, chuyển viện, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không thuộc đối tượng F0 được chuyển về theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tiếp tục chăm sóc y tế tại các bệnh viện của địa phương.

Bộ Y tế cũng đồng ý với đề nghị của BV Việt Đức cho phép các nhân viên y tế đang làm việc tại tòa nhà B5 chủ động về theo dõi sức khoẻ tại nhà trong vòng 07 ngày (các nhân viên y tế làm việc tại tòa nhà B5 đều được trang bị phòng hộ ngay từ khi có ca nhiễm, kết quả xét nghiệm ít nhất 6 lần âm tính, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine).

Hàng loạt y bác sĩ TP HCM đến các địa phương hỗ trợ chống dịch

Đoàn y bác sĩ BV Thống Nhất đã lên đường hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại tỉnh Ninh Thuận ngay khi nhận được công văn của Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận về việc đề nghị hỗ trợ nhân lực, thiết bị vật tư y tế, thuốc thiết yếu để điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch.

Đoàn công tác của BV Thống Nhất còn có 2 tấn thiết bị máy móc, thuốc thiết yếu để hỗ trợ tốt nhất cho công tác điều trị.

Đoàn công tác gồm 9 thành viên, trưởng đoàn là ThS. Lê Bảo Huy, Trưởng khoa Cấp cứu, cùng 8 y bác sĩ, điều dưỡng ở các chuyên khoa như: Cấp cứu, Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Chấn thương Chỉnh hình, phòng Vật tư thiết bị… Thời gian công tác của đoàn dự kiến từ ngày 17/10 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

Đoàn công tác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được Sở Y tế TP giao nhiệm vụ hỗ trợ, tiếp ứng tỉnh Sóc Trăng ứng phó với dịch Covid-19. Đặc biệt, là việc điều trị cho các ca bệnh nặng và nguy kịch.

Trước đó, Đoàn công tác của BV Chợ Rẫy đã lên đường đến hỗ trợ tỉnh Cà Mau trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đoàn công tác gồm 6 thành viên, do BSCK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy làm trưởng đoàn. Đoàn công tác sẽ tiến hành khảo sát thực địa tại các trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Cà Mau; làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, Sở Y tế tỉnh Cà Mau và BV tỉnh Cà Mau về việc điều phối, phân luồng và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Sau đó, các y bác sĩ BC Chợ Rẫy trong đoàn công tác sẽ phối hợp với địa phương tham gia trực tiếp vào công việc điều trị bệnh nhân Covid-19; tư vấn, thiết kế quy trình phân luồng, khám sàng lọc; tổ chức các lớp tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

TP HCM đề xuất tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ ngày 22/10

Sở Y tế đề xuất với UBND TPHCM thời gian tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ ngày 22/10.Đối tượng tiêm là tất cả trẻ từ 12-17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TPHCM, tất cả học sinh đang học lớp 6 đến lớp 12. Dự kiến số lượng khoảng 780.000 trẻ ở 22 quận huyện và TP Thủ Đức.

Về hình thức tiêm, Sở Y tế cho biết sẽ tổ chức chiến dịch tại các cơ sở cố định, cơ sở lưu động và trường học. Loại vaccine được sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt cho nhóm 12-17 tuổi, sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.

Về thời gian tiêm, dù chưa có ngày bắt đầu tiêm chính xác nhưng Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ tiêm mũi một trong 5 ngày. Sau đó sẽ tổ chức tiêm mũi 2 cũng trong 5 ngày, khi đủ thời gian tiêm mũi một theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo Sức khỏe Đời sống