Theo Báo Tin tức, ngày 21/12, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sau 1 tháng triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT), số lượng người nộp thuế (NNT) đăng ký dùng HĐĐT là 263.182 doanh nghiệp, chiếm 71% tổng số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại 6 tỉnh, thành phố đáp ứng sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Trong đó, Cục Thuế Quảng Ninh có tỷ trọng số lượng NNT đăng ký sử dụng HĐĐT đạt cao nhất, đạt 98% tổng số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của tỉnh đáp ứng sử dụng HĐĐT; Cục Thuế Hà Nội có tỉ lệ số lượng NNT đăng ký dùng HĐĐT đạt 90% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của tỉnh đáp ứng sử dụng HĐĐT…
Tính đến 16h ngày 20/12, tổng số hóa đơn có mã đã nhận của 6 cục thuế là 1.707.871 trong đó đã cấp mã 1.702.069, không đủ điều kiện cấp mã 5.802. Số hóa đơn không mã gửi đầy đủ nội dung tính đến 16h ngày 20/12/2021 của 6 cục thuế là 77.820 hóa đơn.
Theo Tổng cục Thuế, để đảm bảo tiến độ từ ngày 1/7/2022 HĐĐT sẽ được triển khai trong toàn quốc, Ban Cán sự Bộ Tài chính đã ra Nghị quyết về lộ trình áp dụng HĐĐT theo 2 giai đoạn. Cụ thể: Giai đoạn 1 từ tháng 11/2011 áp dụng với 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. Sáu địa phương này có số lượng người nộp thuế chiếm 60% so toàn quốc và tổng số hóa đơn phát hành trong một năm chiếm khoảng 70% so toàn quốc.
Giai đoạn 2 sẽ triển khai từ tháng 4/2022 với 57 địa phương còn lại. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu đến hết 31/12/2021, 6 địa phương triển khai giai đoạn 1 phải hoàn thành tối thiểu 70% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc đối tượng áp dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Để chuẩn bị triển khai cho giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022, Tổng cục Thuế đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế chính sách, quy trình nghiệp vụ HĐĐT, trong đó trọng tâm là rà soát các ý kiến, nội dung phát sinh trong quá trình triển khai HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 để nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
Cơ quan thuế các cấp cũng mở rộng việc tập huấn, tuyên truyền triển khai, sử dụng HĐĐT đến tất cả NNT trên toàn quốc. Đặc biệt, đẩy mạnh việc phối hợp giữa cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT sử dụng HĐĐT; xây dựng, triển khai mở rộng hạ tầng kỹ thuật (máy chủ, đường truyền,...) đảm bảo việc triển khai mở rộng hệ thống quản lý HĐĐT cho các cục thuế còn lại trong tháng 4/2022 và đảm bảo việc sử dụng HĐĐT của NNT từ ngày 01/7/2022 trên toàn quốc.
Mũi tên trúng nhiều đích
Triển khai HĐĐT theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Với xã hội, HĐĐT góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi. Bên cạnh đó, HĐĐT giúp đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai HĐĐT là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan Nhà nước khác.
Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ có thể dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp. Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
Đặc biệt, sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: Sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của Cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với Cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được thuận lợi, giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế…
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan Nhà nước có liên quan, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Dùng HĐĐT giúp áp dụng CNTT, ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
“Dữ liệu từ HĐĐT được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên doanh nghiệp không mất thời gian lập tờ khai thuế GTGT. HĐĐT có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khả năng làm giả hóa đơn là khó. Vì vậy, việc sử dụng HĐĐT thay thế hóa đơn giấy (hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in) sẽ góp phần phát hiện sớm các gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn”, Báo Chính phủ trích lời lãnh đạo Tổng cục Thuế.