Ngày 6/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
Mức phạt như thế nào?
Trong đó, Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 3 về giải thích hành vi chiếm đất. Theo đó, một trong những hành vi chiếm đất là sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất đã được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp). Trước đây, hành vi này không yêu cầu bắt buộc phải có quyết định thu hồi đất đã được công bố.
Thứ hai, bổ sung khoản 10, Điều 7 về xác định số lợi bất hợp pháp do vi phạm hành chính về đất đai. Theo đó, việc nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đã xảy ra trước ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực chỉ áp dụng đối với các hành vi vi phạm mà các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai trước đây có quy định phải nộp số lợi bất hợp pháp.
Thời gian xác định số lợi bất hợp pháp phải nộp chỉ tính từ khi Nghị định có quy định hành vi vi phạm phải nộp số lợi bất hợp pháp có hiệu lực thi hành, hoặc tính từ ngày xảy ra vi phạm nếu vi phạm xảy ra sau ngày Nghị định xử phạt vi phạm hành về đất đai đầu tiên có quy định phải nộp số lợi bất hợp pháp đã có hiệu lực...
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 22 như sau: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà người nhận chuyển nhượng không có ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục đích sử dụng đất, mục tiêu của dự án đầu tư hoặc không thực hiện ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc không có đủ năng lực tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 37 về tổ chức vi phạm về điều kiện được hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cụ thể, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng không có chức năng tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc không có đủ 2 cá nhân hành nghề tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP).
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng không có chức năng tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không có đủ 02 cá nhân hành nghề tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP).
Hình thức xử phạt bổ sung cho vi phạm này là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 6 đến 9 tháng đối với tổ chức có giấy phép hoạt động. Đình chỉ hoạt động từ 9 đến 12 tháng đối với tổ chức không có giấy phép hoạt động kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực.
Ngoài ra, Nghị định 04/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi một số điều của Nghị định 91/2019/ NĐ–CP đối với các trường hợp: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai; Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai; Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai; Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định; Lấn, chiếm đất.
Tăng thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND cấp huyện
Nghị định 04/2022/NĐ-CP đã tăng thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng như quy định trước đây.