Tại sao đại thần nhà Thanh nhịn ăn sáng nhưng lại ngậm sâm trong miệng mỗi khi thượng triều?

Vì những quy định hà khắc mỗi khi thượng triều mà các vị quan lại thời nhà Thanh xưa phải dùng đến cách ngậm sâm và nhịn ăn sáng.

Tại sao các vị đại thần Trung Hoa xưa phải ngậm sâm, nhịn ăn sáng khi thượng triều

Thời cổ đại, các vị đại thần phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho buổi thượng triều kéo dài nhiều tiếng đồng hồ với những quy định khắt khe. Thời nhà Thanh, các vị đại thần phải có mặt từ lúc 3 giờ sáng (giờ Bắc Kinh), đứng đợi bên ngoài cửa cung để chờ Hoàng thượng lên triều.

Nhưng thực tế họ phải dậy sớm hơn rất nhiều để chuẩn bị trang phục chỉnh tề. Hơn nữa có những người nhà ở khá xa kinh thành nên phải dậy từ sớm để chuẩn bị, có lúc 12 giờ khuya đã sẵn sàng lên đường. Với thời gian đi sớm như vậy, việc ăn uống đầy đủ vào bữa sáng không phải điều dễ dàng.

Quan lại thời phong kiến phải nhịn ăn sáng để tránh đi vệ sinh trong buổi thượng triều. (Ảnh minh họa)

Một vấn đề khác đó là những quy định trong thời gian thượng triều rất khắt khe, các quan viên không được có những hành vi phạm thượng như ho, khạc nhổ hay đứng không vững... Tất cả những điều này sẽ bị một người có chức danh Ngự sử ghi chép lại trong khi buổi chầu diễn ra. Cũng bởi vậy mà việc xin đi vệ sinh là điều hết sức tế nhị khiến các đại thần cũng e ngại nên thường không dám ăn uống gì để hạn chế việc tiểu tiện.

Bên cạnh đó, ở trong cung, việc tìm được chỗ để đi vệ sinh cũng không hề dễ dàng bởi trong Hoàng cung không có nhà vệ sinh. Thời phong kiến, người ta quan niệm rằng vật bài tiết là thứ không sạch sẽ, nên không được phép xuất hiện trong Hoàng cung, làm ô uế không khí Hoàng tộc. 

Nếu Hoàng đế hay các quan viên muốn đi vệ sinh trong cung sẽ phải dùng một cái thùng gỗ gần giống như bệ xí. Những cái thùng này sẽ được cất gọn trong Cung Phòng. Nếu ai muốn đi vệ sinh thì có thể sai người đến Cung Phòng lấy cái thùng để dùng nhưng điều này sẽ mất nhiều thời gian nên các quan viên sẽ cố gắng tránh.

Để chống đói và giữ tỉnh táo, các quan viên thường ngậm sâm trong miệng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, với những buổi thượng triều có thể kéo dài từ 4,5 giờ sáng cho tới tận trưa, hay có lúc đến chiều, việc không ăn uống trong thời gian dài dễ khiến cơ thể kiệt sức, mệt mỏi, nhất là những vị quan đã già, sức khỏe yếu. Vì vậy, để đối phó với cơn đói, giúp bản thân tỉnh táo mà không phải đi vệ sinh nhiều lần, các vị đại thần đã nghĩ ra cách ngậm sâm trong miệng. 

Tại sao lại chọn nhân sâm? Từ xưa, con người đã nhận thấy rằng nhân sâm có thể giúp tăng cường sinh lực rất tốt, làm mạnh mạch, thúc đẩy thể chất và dưỡng huyết, làm dịu thần kinh và dưỡng tâm. Hơn nữa, với các vị quan lớn tuổi, việc đứng lâu mà không ăn uống trong thời gian dài có thể khiến cơ thể khó chịu nổi nên họ sẽ ngậm sâm trong miệng để tăng cường thể lực.

Nhân sâm bổ nhưng cũng hại lớn nếu dùng sai

Y học hiện đại ngày nay cũng công nhận tác dụng của nhân sâm trong việc tăng cường sinh lực. Nhân sâm có tính lạnh, vị ngọt, không độc. Nhân sâm chuyên trị tạng tâm suy nhược, tiêu hóa không tốt, là thuốc bổ mạnh nguyên khí và tinh thần, sinh tân dịch, bệnh lâu nguyên khí hư tổn cần phải dùng.

Nhân sâm bổ tới mấy cũng không nên lạm dụng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhân sâm rất bổ nhưng dùng nhiều cũng gây ra những tác hại:

- Nếu dùng nhân sâm lâu, quá liều lượng có thể làm chướng dạ dày, gây chán ăn.

- Một số người dùng nhân sâm lâu dài thường gặp các vấn đề như mất ngủ, giảm khoái cảm, dễ kích động, ngứa họng, thậm chí có hiện tượng hưng phấn thần kinh làm tăng huyết áp, nổi rôm, sáng sớm đi lỏng.

Theo Đông y, có một số người cũng không nên dùng nhân sâm như:

- Người bị ứ hơi trong phổi, tức ngực, mắc chứng nhiệt không nên dùng sâm.

- Người âm hư hỏa vượng nếu dùng nhân sâm dễ bị bí đại tiện, chảy máu cam.

- Trẻ sơ sinh không được dùng sâm hay nước sâm. 

- Trẻ nhỏ không nên sử dụng những thực phẩm có sâm vì nhân sâm có tác dụng phân tiết kích thích tố, nếu ăn lượng lớn sẽ khiến trẻ dậy thì quá sớm, ảnh hưởng tới sự phát dục bình thường.

- Những người bị viêm túi mật, viêm gan đang bị chán ăn, bựa lưỡi quá dày mà uống nhân sâm có thể làm giảm sự thèm ăn uống. Ngoài ra, còn có thể xuất hiện các chứng mất ngủ, ngực khó chịu, nôn nóng, choáng.

- Người bị cảm mạo cũng không nên dùng nhân sâm để tránh làm bệnh nặng thêm, gây sốt cao.

Nói chung nhân sâm bổ nhưng phải tùy sức khỏe và cách dùng mới có lợi. Người khỏe mạnh nếu lạm dụng hoặc dùng ít nhưng trong thời gian dài cũng không tốt. Người có nhu cầu dùng nhân sâm cũng phải dùng với lượng thích hợp, không dùng quá nhiều hoặc dùng lâu dài để tránh gây ra những tác dụng phụ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

MINH MINH