"Tái sinh" bàn tay cho cậu bé mắc dị tật hiếm gặp

Minh Đạt (7 tuổi, Quảng Nam) bị thiếu ngón tay cái và bị teo lại chỉ còn dính với bàn tay 1 cuống da nhỏ, hoàn toàn không có chức năng hay cử động.

Bàn tay phải của Minh Đạt bị quặp và teo ngón cái (hình trái), sau 3 ca phẫu thuật em đã có thể cầm nắm bình thường (hình phải)

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hoàng Liên, Khoa Chấn thương chỉnh hình & Phẫu thuật bàn tay, Bệnh viện FV nhớ lại, khi khám cho Minh Đạt vào tháng 9.2022, ekip y bác sĩ FV nhận thấy bàn tay phải của Đạt không duỗi thẳng ra được. Em được chẩn đoán mắc hội chứng thiểu sản xương quay cẳng tay và ngón cái – một bệnh hiếm gặp, nguyên nhân thường là do đột biến gen.

Minh Đạt là một em bé lanh lợi, vui tươi, dường như em không sợ bệnh viện, không e dè với các bác sĩ. Em cùng gia đình đến FV và hy vọng vào tài năng của “phù thủy phẫu thuật” người Pháp Stéphane Guero giúp em có được bàn tay lành lặn như bao bạn bè cùng trang lứa và có thể duỗi thẳng, cầm nắm đồ vật bình thường. Mơ ước mãnh liệt của cậu bé chưa đầy 6 tuổi khi ấy đã giúp em vượt lên trên nỗi sợ đau, sợ lên bàn mổ.

Bác sĩ Stéphane Guero cho biết, để khắc phục dị tật này cần kéo nắn cho bàn tay của trẻ thẳng trục với cẳng tay, đồng thời cắt bỏ ngón cái thừa và chuyển chức năng của ngón để bé có thể cầm nắm sau này. Đây là một phẫu thuật phức tạp mà rất ít phẫu thuật viên có thể thực hiện được. Quan trọng không kém là cùng với phẫu thuật phải cần sự hợp tác chặt chẽ của gia đình trong việc giúp em duỗi thẳng được bàn tay.

Minh Đạt sử dụng tay phải thành thục sau phẫu thuật (Ảnh: FV)

Từ tháng 9.2022 đến cuối năm 2023, bác sĩ Stéphane Guero và ê-kíp các y bác sĩ Bệnh viện FV thực hiện 3 cuộc mổ để tái tạo bàn tay mới cho Đạt.

Trong lần phẫu thuật đầu tiên, một cái khung có ổ khóa sẽ được đặt vào xương cẳng tay và bàn tay của Đạt. Gia đình được hướng dẫn cách vặn ổ khóa 2 lần/ ngày, sau đó là 1 lần/ngày để kéo cho cẳng tay trên trục dần thẳng với bàn tay. Với phẫu thuật thứ 2, bác sĩ Stéphane Guero tháo khung khỏi tay Đạt, chỉnh xương cẳng tay của em cho thẳng rồi dùng một cây kim dài ghim từ trên cẳng tay tới bàn tay để giữ cố định cho bàn tay không bị cong trở lại. Lần thứ 3, em được phẫu thuật chuyển ngón. Bác sĩ Stéphane Guero dùng ngón trỏ chuyển tới vị trí ngón cái.

Các cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Cậu bé dũng cảm gồng mình chịu đựng đau đớn, hết lần này tới lần khác, khiến ngay cả các y bác sĩ FV cũng phải khâm phục và cảm mến cậu một cách đặc biệt. Lần tái khám cách đây hơn 1 tháng, các bác sĩ vui mừng và xúc động khi bàn tay phải của Minh Đạt đã có thể cầm nắm bình thường.

“Sau lần phẫu thuật cuối cùng tháng 11.2023 đến nay bé Đạt đã có thể tự cầm bút để vẽ, tự bưng cốc nước mời các bác sĩ uống… thực hiện mọi hoạt động như bình thường. Chúng tôi thật sự rất vui và tin tưởng trong tương lai bé sẽ có một cuộc sống tốt đẹp”, bác sĩ Liên bày tỏ.

Cuộc đời mới cho trẻ mắc chứng thiểu sản xương quay cẳng tay và ngón cái

Minh Đạt là một trong gần 30 bé đã được phẫu thuật dị tật thiểu sản xương quay cẳng tay và ngón cái thành công ở Bệnh viện FV từ 2010 đến nay. Các ca mổ phức tạp trên đều do bác sĩ Stéphane Guero thực hiện với sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình & Phẫu thuật bàn tay - Bệnh viện FV.

“Phù thủy phẫu thuật bàn tay” hàng đầu thế giới - Bác sĩ Stéphane Guero giải thích về dị tật thiểu sản xương quay cẳng tay và ngón cái (Ảnh: FV)

Bác sĩ Stéphane Guero cho biết, tỷ lệ trẻ bị dị tật mất ngón tay cái là 1/5.000, tỷ lệ trẻ mất cả xương quay và ngón cái là 1/35.000, có những ca ngón cái bị teo nhỏ nhưng vẫn có thể sử dụng được. Trong phẫu thuật tạo hình và hồi phục chức năng bàn tay, đặc biệt là phẫu thuật tạo ngón cái, việc lựa chọn ngón cái mới, xác định chính xác hệ thống mạch máu, thần kinh và hệ cơ cho từng ngón tay rất quan trọng. Bác sĩ cần tính toán kỹ lưỡng việc di chuyển ngón được chọn làm ngón cái đến vị trí tối ưu, xác định độ dài của ngón cái mới để tạo hình, đảm bảo thẩm mỹ và hoàn thiện chức năng bàn tay sau phẫu thuật…

Về tính thẩm mỹ thì cần đảm bảo ca phẫu thuật được thực hiện thật khéo léo để khi nhìn lướt qua sẽ không nhận ra là bị thiếu ngón trỏ.

Để điều trị dị tật thiểu sản xương quay cẳng tay cần có khung nắn chỉnh (Ảnh: FV)

Được biết, hiện rất ít cơ sở y tế trong nước thực hiện phẫu thuật dị tật bàn tay vì ngoài chuyên môn thì đòi hỏi có những dụng cụ chuyên biệt, chẳng hạn như khung nắn chỉnh tay.

Ngoài ra, bệnh viện FV nhận được sự hợp tác từ bác sĩ Stéphane Guero, là một trong số ít chuyên gia trên thế giới có khả năng điều trị thành công những ca dị tật khó ở tay, như di chuyển ngón, tái tạo chức năng cầm nắm, tách ngón đối với bàn tay có ngón dính liền, phẫu thuật tạo hình bàn tay dị tật, phẫu thuật đám rối thần kinh cánh tay, ghép xương cho các trường hợp cụt ngón tay bẩm sinh…

Rất nhiều cha mẹ bật khóc vì vui sướng khi lần đầu tiên chứng kiến con nắn nót viết từng chữ trên trang giấy học trò bằng chính bàn tay trước kia tưởng như mất chức năng.

Từ ngày 16 - 24/11/2024 tới đây, bác sĩ Guero sẽ trở lại Việt Nam, tiếp tục chọn Bệnh viện FV làm nơi duy nhất để thực hiện các ca phẫu thuật bàn tay cho bệnh nhi của FV và cho bệnh nhi do Quỹ Nâng bước tuổi thơ bảo trợ.

Bệnh nhân có nhu cầu thăm khám và điều trị với bác sĩ Stéphane Guero vào đợt làm việc từ 16 – 24/11/2024, có thể đặt hẹn tại khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện FV: (028) 5411 3333.

YẾN LÊ