Tắm đêm, cô gái 27 tuổi đột quỵ do dị dạng mạch máu não

Sau khi tắm xong, cô gái 27 tuổi đau đầu dữ dội. Kết quả chụp MRI cho thấy, bệnh nhân bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não, chảy máu dưới nhện.

Trung tâm Đột quỵ, bệnh viện Quân đội 108 (Hà Nội) vừa tiếp nhận một cô gái 27 tuổi, ở Vĩnh Phúc bị đột quỵ sau tắm.

Bệnh nhân tắm đêm xong lúc 22h, bất ngờ bị đau đầu dữ dội, hai tay ôm đầu. Bệnh nhân được chồng đưa đến bệnh viện địa phương rồi chuyển đến trung tâm Đột quỵ cấp cứu trong tình trạng đau đầu dữ dội, không bị liệt người.

Kết quả chụp MRI cho thấy, bệnh nhân bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não, chảy máu dưới nhện. Bệnh nhân được các bác sĩ nút khối dị dạng mạch thành công, ngày 16/12 qua cơn nguy kịch.

May mắn, bệnh nhân chưa bị vỡ mạch máu não. Nếu vỡ, máu tràn ra, tình trạng nguy cấp có thể dẫn tới liệt, hôn mê, tử vong.

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc trung tâm Đột quỵ, bệnh viện Bạch Mai thông tin, đột quỵ xảy ra do cơ thể thích ứng chậm với thay đổi đột ngột của thời tiết, đặc biệt nếu trường hợp mắc các bệnh mãn tính khác như tăng huyết áp sẽ khiến thành mạch máu bị thoái hóa, ảnh hưởng đến tuần hoàn và càng dễ bị tắc nghẽn.

Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ thường do mắc tăng huyết áp (chiếm 80% các ca đột quỵ), tiểu đường, loạn nhịp tim, béo phì, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ… Đặc biệt, người đã đột quỵ lần một rất dễ bị tái phát với tỷ lệ lên tới 15-18% trong tuần đầu hoặc năm đầu tiên. Do đó những bệnh nhân đã bị đột quỵ cần phải có biện pháp dự phòng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế, nhận định nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, hay các dấu hiệu cảnh báo, được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội.

Theo ông Khuê, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ.

Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

"Do đó, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ trở nên rất cần thiết và quan trọng", ông Khuê nhấn mạnh.