Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt

Tận dụng thương mại điện tử nhằm nâng cao ưu thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế toàn cầu đã và đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.

Tiềm năng lớn của thương mại điện tử

Chia sẻ với Vietnam+, anh Hoàng Trung (Hà Nội) cho biết, mỗi tháng cơ sở của anh cung ứng ra thị trường hàng chục tấn nông sản vùng miền. Thay vì bán hàng theo cách truyền thống, các địa chỉ bán hàng trên Facebook, Zalo hay một số sàn thương mại điện tử đã được đơn vị này đẩy mạnh và kết quả thu về cũng ngày một tích cực.

Theo anh Hoàng Trung, sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 (2019-2021), việc bán hàng trực tiếp gặp nhiều khó khăn và nhiều thời điểm gián đoạn do thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh hay giãn cách xã hội. Chính vì vậy, để việc bán hàng thuận lợi, tiết kiệm chi phí, anh đã đẩy mạnh bán hàng online cũng như qua các kênh thương mại điện tử, nhờ vậy, khách hàng dù ở xa vẫn có thể mua được sản phẩm.

“Với việc tận dụng thương mại điện tử, doanh thu bán hàng của đơn vị có thể tăng gấp 2-3 lần, trong khi các chi phí trước kia như thuê cửa hàng hay thuê nhân viên có thể dùng để nâng cao chất lượng dịch vụ,” anh chia sẻ.

Tương tự, anh Việt Tuấn, chủ của một chuỗi 6 cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang có tiếng trên địa bàn Tp.Hà Nội xác định bán hàng trực tuyến, nhất là qua các sàn thương mại điện tử đang là ưu tiên hàng đầu.

Anh Tuấn cho rằng, từ khi bùng phát dịch Covid-19, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm, thay vì đến cửa hàng để chọn lựa, 85% khách hàng của anh chuyển hẳn sang đặt mua trực tuyến qua website, fanpage, Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử mà cửa hàng đăng bán sản phẩm,… Bởi tâm lý khách hàng chỉ cần đến cửa hàng một lần hoặc sau khi trải nghiệm mua trực tuyến, nếu thấy uy tín, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đúng như quảng cáo thì những lần sau họ chỉ đặt mua trực tuyến và tiếp tục giới thiệu cho người thân, bạn bè dùng thử.

Kết quả doanh thu năm 2022 cũng vì đó tăng 200% so với những năm trước khi đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Cùng với đó, bán hàng trực tuyến giúp giảm được khá lớn nhân sự, giảm chi phí thuê mặt bằng, điện nước,... "Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tập trung vào kênh bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm bằng hình ảnh qua các nền tảng công nghệ, đồng thời thu gọn và chỉ để lại ba cửa hàng bán lẻ để khách hàng tới trải nghiệm sản phẩm", anh Tuấn chia sẻ với báo Nhân Dân.

Còn theo ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban kinh doanh trực tuyến Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op), người mua hàng online các sản phẩm của doanh nghiệp cao hơn 2,4% so với việc mua hàng trực tiếp từ các đại lý, siêu thị. Điều này đã chứng tỏ được sức hút của thương mại điện tử trong việc mua sắm, tiêu dùng ngày nay.

Kinh tế - Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt

Thương mại điện tử Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ảnh minh họa.

“Hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet và đa phần là người trẻ, đây chính tiềm lớn trong việc phát triển lĩnh vực thương mại điện tử,” ông Tòng nhấn mạnh.

Nói về ưu thế của thương mại điện tử, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại lý ủy quyền của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam đánh giá rất cao sự chuyển dịch nền kinh tế số và xu hướng mua sắm trong và sau đại dịch Covid-19 cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tại Việt Nam.

Theo ông, trước kia nếu việc kinh doanh cần phải mở cửa hàng ở khu phố hay các hệ thống đại lý thì bây giờ người bán hàng có thể trực tiếp lên Internet mở các “trung tâm thương mại.”

“Chỉ có Internet mới tạo ra được sàn giao dịch lên đến hàng triệu doanh nghiệp, hàng tỷ sản phẩm và lượng khách hàng khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp có doanh số tăng lên đến 70-80% khi tham gia các sàn thương mại quốc tế,” ông Toản nhấn mạnh.

Báo Nhân Dân thông tin, theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, tiềm năng của thị trường Thương mại điện tử Việt Nam rất khổng lồ, được nhìn nhận sẽ tiếp tục mở rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Số lượng sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam mua trực tuyến năm 2022 đã tăng hơn 50% so với năm 2021; số lượng nhà bán lẻ trực tuyến cũng tăng 57%; dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến năm 2022 tăng gần 3 tỷ USD so với năm 2021. Việt Nam cũng có đến 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị đạt 260-285 USD/người. Các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất là: quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị, đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử,…

Hiện Việt Nam có khoảng 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử; trong đó, có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ, ba công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Thị trường này cũng đang có sự chạy đua và chi phối của bốn "đại gia" cung cấp sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Tổng doanh thu của bốn sàn thương mại điện tử này đang đạt mức 135 nghìn tỷ đồng với tổng số 566 nghìn gian hàng đã phát sinh 1,3 tỷ đơn vị sản phẩm đơn hàng. Trong đó, Shopee là sàn thương mại điện tử lớn nhất, chiếm gần 73% tổng doanh số thị phần; Lazada đạt khoảng 21%; Tiki chiếm 5%; Sendo chiếm khoảng 1% thị phần.

Thương mại điện tử đưa hàng Việt vươn xa

Theo Vietnam+, thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử.

Báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á đánh giá cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, 14 tỷ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử, dự báo kinh tế Internet Việt Nam có thể đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm tới 32 tỷ USD.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp.Hà Nội cho biết hiện nay đa phần các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn thành phố đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng số như các nền tảng mạng xã hội facebook, youtube, tiktok hay... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, ưu thế lớn nhất của thương mại điện tử giúp khắc phục khoảng cách về địa lý, tiếp cận lượng khách hàng lớn; Tiết kiệm chi phí; Cung cấp thông tin so sánh giá; Tạo nhiều chương trình Marketing; Chăm sóc khách hàng…

Để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm phát triển thương mại điện tử, nhiều chương trình và giải pháp đã được triển khai, tạo điều kiện hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt, nông sản địa phương trên môi trường trực tuyến.

Điển hình, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.

Thông qua đó, hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba… để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhờ đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng… được xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới.

Xây dựng thị trường minh bạch, lành mạnh

Theo báo Nhân Dân, thương mại điện tử Việt Nam đang có nhiều lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng, như làn sóng chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ, kết nối internet phổ cập, vốn, thanh toán online, logistics và nguồn nhân lực,… Ðặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số và thương mại điện tử. Song, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, thương mại điện tử còn phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Trong hoạt động thương mại điện tử, có rất nhiều chủng loại sản phẩm mà người bán hàng online tự do có thể kinh doanh trên nhiều nền tảng khác nhau với nhiều tên khác nhau, thậm chí có thể thay đổi tên hàng hóa chỉ bằng một ký tự. Các cơ quan quản lý hiện chưa có phương án quản lý thực sự hiệu quả, sâu sát, nên thị trường thương mại điện tử vẫn còn rất phức tạp, rối rắm, thậm chí được xem là "thả nổi". Người tiêu dùng mua hàng bằng "niềm tin", còn nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm cũng chỉ dựa vào sự cam đoan của người bán. Nhiều sàn thương mại điện tử tuy có kiểm soát nguồn gốc đầu vào, nhưng vẫn để "lọt lưới" cho hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng tuồn ra thị trường. Ðiều này đặt ra yêu cầu về tăng cường giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm và hoạt động kinh doanh, cũng như sự thay đổi chế tài khi hệ thống pháp luật về thương mại điện tử hiện đang không theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử.

Theo thống kê, trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn năm website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, xử lý, thực hiện theo Ðề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử nhằm từng bước xây dựng thị trường thương mại điện tử minh bạch và lành mạnh hơn.

Ðể chấn chỉnh hoạt động thương mại điện tử, không chỉ cần đến sự điều chỉnh hợp lý về mặt pháp luật, sự tăng cường hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng mà thậm chí còn cần những đề án riêng, những phương án quản lý đặc thù, đưa thương mại điện tử trong nước đi vào quỹ đạo. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án luật nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho thương mại điện tử. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử; hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Mặt khác, muốn kích thích thương mại điện tử phát triển an toàn, lành mạnh và minh bạch, phải liên tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến; bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Ðồng thời, phải có thêm những cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử một cách an toàn, hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Minh Hoa (t/h)