Trong dịp Tết Nguyên đán, mứt tết là đồ ăn truyền thống, gắn với văn hóa người Việt nên thường là món quà tiếp khách của các gia đình. Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, mứt tết là sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm nông nghiệp như lạc, bí đao, cà rốt, táo, hạt sen… Đa số các thực phẩm này khi làm mứt đều được bọc hoặc nhào trộn cùng đường để tạo vị.
Ngoài những sản phẩm trên, dù mứt Tết truyền thống hay mứt hiện đại trong hộp mứt luôn có một lát mứt gừng nho nhỏ. Lương y Bùi Đắc Sáng cho rằng, sở dĩ nhà sản xuất cho một miếng mứt gừng vào là có lý do riêng, ngoài để đủ vị trong hộp mứt, gừng còn được coi là vị thuốc để hỗ trợ tiêu hóa khi ăn nhiều đồ ngọt.
Trong y học phương Đông, gừng là một dược liệu tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Gừng có vị cay, the, tính nóng, điều này chủ yếu là do gừng có chứa gingerol, giúp thúc đẩy quá trình tiết của tuyến nước bọt và tuyến tiêu hóa, thúc đẩy nhu động của đường tiêu hóa, kích thích thèm ăn, điều chỉnh chức năng của đường tiêu hóa. Vì thế, những người tiêu hóa không tốt, thường hay bị đầy hơi và đau bụng đi ngoài thường được khuyến cáo ăn gừng.
Mỗi ngày ăn một lát mứt gừng sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa.
Trong những ngày Tết, các chuyên gia luôn khuyến cáo, hạn chế ăn đồ ngọt như mứt tết, nhưng riêng với mứt gừng có thể ăn hàng ngày, với số lượng vừa phải, không lạm dụng.
“Dù mứt gừng cũng được phủ một lớp bột đường, nhưng không đáng kể so với mứt táo, mứt sen, mứt lạc. Hơn nữa, mứt gừng thường chỉ có một lát nhỏ, nên mỗi ngày ăn một lát mứt gừng sẽ không nạp quá nhiều đường vào cơ thể, ngược lại gừng lại tốt cho hệ tiêu hóa, làm ấm cơ thể”, lương y Bùi Đắc Sáng phân tích.
Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, gừng thúc đẩy nhu động ruột, gia tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, giảm áp lực trong đường tiêu hóa và làm dịu dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn. Trong quá trình tiêu hóa, khi vi khuẩn đường ruột tiếp xúc với thức ăn tạo ra hiện tượng lên men, gây đầy hơi, chướng bụng. Lúc này, các enzyme trong gừng tác động và đẩy khí ra khỏi cơ thể, làm giảm khó chịu.
Ngoài mứt gừng, lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn, mọi người có thể sử dụng thêm một số loại mứt khác tốt cho hệ tiêu hóa như:
- Mứt quất (tắc): Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can; có công năng hóa đàm, trị ho, lý khí, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Tinh dầu trong vỏ của quất, quýt, cam có khả năng ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da… Vỏ quất cũng rất giàu vitamin C, chất xơ có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, phòng tăng huyết áp. Hạt quất để cầm máu, chống nôn, giảm ho.
Mứt quất cũng có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhưng cần phải tự làm để đảm bảo và hạn chế lượng đường. Ảnh minh họa.
- Mứt phật thủ: Quả phật thủ được dùng chữa bụng đầy trướng, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn, ho dai dẳng có nhiều đờm; chống khát, hạ sốt, an thần, chữa nhức đầu. Mứt phật thủ có tác dụng kích thích hô hấp và chữa ho. Những người lo âu và tiêu hoá kém nên dùng mứt phật thủ.
Dù có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhưng khi dùng các loại mứt trên, lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, chỉ nên sử dụng với số lượng ít, tốt nhất nên tự làm để dùng nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế lượng đường khi trộn. Đặc biệt là mứt quất và mứt phật thủ, nên lựa chọn quả phát triển tự nhiên để làm mứt, không dùng quả từ cây cảnh chơi tết vì nguy cơ nhiễm chất kích thích, bảo quản là rất lớn.
Nutifood Sweden GrowPLUS+ với công thức được phát triển bởi Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI Đề kháng khỏe, Tiêu hóa tốt. Sản phẩm chứa: - 1 tỷ lợi khuẩn Bifidobacterium hỗ trợ ngăn ngừa táo bón và vi khuẩn có hại. - Chất xơ hòa tan FOS & Inulin tạo môi trường lí tưởng cho hệ vi sinh đường ruột phát triển. - Cùng các dưỡng chất thiết yếu khác hỗ trợ bé phát triển lành mạnh. Sản phẩm có loại sữa bột và sữa bột pha sẵn tiện lợi. |