Tết của người
Khi mà trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các loại hình phát sóng như đài phát thanh truyền hình trong chương trình có lồng ghép quảng cáo phát đi các bản nhạc nền để phụ trợ cho quảng cáo luôn ngân lên các ca khúc như: “Tết tết tết, tết đến rồi”, “Em ơi nghe chăng mùa xuân đã về”… thì tết với họ vẫn còn là một khái niệm hết sức mơ hồ và “xa xỉ”. Với hoàn cảnh họ, mỗi khi gặp, chỉ có một tâm trạng chung là: Tết ơi!... xa xôi thế?
Tôi biết chị từ đợt nhà ông bác xây lại nhà mới, cần người đến dọn vật liệu cũ vì nhà ông bác tôi quen ở trong một ngõ sâu tít của Hà Nội. Ngõ phố ấy rất hẹp, hai xe máy đi ngược chiều, nếu gặp nhau thì đều phải xuống dắt, lựa lách cho khéo không lại va chạm, dễ gây ra cãi vã. Ngõ nhỏ, phương tiện vận tải không vào được nên mới phải nhờ đến đôi vai gầy nhẳng của những người quê như các chị đứng bán sức ở các phiên “chợ người” mà gánh gồng.
Trong đám phụ nữ lên Hà Nội bán sức ấy chị là người tôi quý nhất. Chị làm cái gì cũng gọn, cũng khéo, cứ cần mẫn với công việc như thể nếu mình không chịu khó, không nhẫn nhịn là sẽ bị mất việc, và như vậy những chiếc “tầu há mồm” - những đứa con dưới quê chị sẽ “mất cơ hội để có cái đổ vào mồm” ngay.
Thỉnh thoảng những bữa trưa chị được ông bác tôi rộng lòng mời cơm. Bữa cơm thực ra chỉ là cái cớ để “dọn” đi những thức ăn không hết trong gia đình thì chị cũng là người ăn rất nhanh và rất khỏe. Nhoáng một cái chị lùa được 5 - 6 bát ngay bên đống vôi vữa, thế mà chẳng hiểu sao chị cứ gầy. Tôi nghĩ chắc công việc “bán sức mưu sinh” của chị quá vất vả nên nó đã tiêu tốn nhiều năng lượng của chị.
Tâm sự chị bảo, chị tên Lo - Nguyễn Thị Lo. Bố chị vào chiến trường, hai đợt về phép ngắn ngủi sinh được chị và người em trai tên Toan rồi mãi không về nữa. Thân gái lớn lên, chị cùng mẹ đằng đẵng lo toan cuộc sống. Đến năm chị 29 tuổi, có người nghèo trong xóm đến dạm hỏi, sợ con gái ế nên mẹ chị đã ưng thuận gả. Hai cái nghèo của đôi vợ chồng trẻ ở miền quê muối Hải Hậu cộng lại thế là vợ chồng chị đã có “3 cái nghèo trong tay”.
Chồng son, vợ son, học hành hiểu biết kém nên 4 năm sau chị đã có 3 đứa con, thật tội, toàn là gái cả. Tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, anh chồng ham có “thằng chống gậy” lúc đi theo các cụ nên “phấn đấu tiếp”. Đứa thứ 5 trời mới cho chị mụn con trai.
Vui thì có vui nhưng chị luôn rơi vào tình trạng đối phó với đói no của bọn trẻ và ngay cả bản thân hai vợ chồng. 31 tuổi, 5 lần vượt cạn nên người chị cứ rạc đi. Quê muối thế nhưng muối rớt giá, lại còn bị muối nhập khẩu của các bác tận đẩu đâu đem về nữa nên chị đói, gia đình đói, làng xóm đói. Từ bỏ cái nghề làm ra “vị mặn” cho người đời, theo cánh bạn chị lên phố, đứng bán sức ở những phiên chợ người để mua thêm “cái nhạt” cho cuộc đời mình.
Cơn áp thấp nhiệt đới ùa về, lạnh tê tái, gió rét và mưa lạnh làm cho những cây đào cây mai được đem ra bán ngoài phố thêm bừng sắc, tôi gặp lại chị. Sau 3 năm gặp lại, chị Lo trông vẫn đầy lo toan và vá víu như xưa.
Chị bảo hai năm nay chị “gặp may” vì không được ăn tết, chị đã có việc làm trong dịp tết để kiếm tiền. Cả năm có một lần, sao lại thế (?!) thì chị chao tát lý giải: Thú thực từ ngày hết thời thiếu nữ, từ lúc đi lấy chồng chị rất sợ tết. Và cũng từng ấy năm tết nào chị cũng phải lo.
Năm ngoái chị không về tết vì có một nhà trên phố thuê chị trông nhà, giúp họ hương khói vì tết Bắc lạnh quá nên họ quyết định bỏ tiền mua vé vào Nam đón tết cho nó “ấm áp”. Sau khi làm giao kèo, “tịch thu của chị cái chứng minh thư” để làm tin họ bỏ chị lại cùng ngôi nhà.
Tết ấy nhịn cái tết, chấp nhận cảnh xa chồng xa con chị đã kiếm được cho bố cu và mấy con hĩm bằng cả một cặp vé máy bay mà gia đình ấy bỏ ra bay được một lượt. Có 5 ngày tết mà chị kiếm được gần 4 triệu, bằng cả tấn thóc ở quê.
Chị bảo, nhịn một cái tết, chấp nhận xa chồng xa con chứ ra giêng tháng rộng ngày dài, việc ít có mà ngồi dài cổ ở chợ cũng chẳng ma nào thuê. Việc không lại chết vì tiền bánh mì ăn để chờ việc nữa.
Năm nay, tết với chị cũng chẳng có khái niệm gì, và một lần nữa chị cũng gặp may vì có một chủ nhà giầu làm nghề bán hoa còn biết thương người nghèo nên đã thuê chị. Việc chị làm là khuân hoa và cây cảnh lên xe rồi bám theo xe tải và chuyển nó vào các khu chợ và ngõ phố. Chị ước chừng, năm nay tuy một lần nữa ăn tết xa nhà nhưng chị sẽ có một nguồn thu tròm trèm gần 15 triệu.
Nhìn cái dáng gầy mỏng của chị chao đi đảo lại cùng những chậu cây cảnh vật vưỡng tôi thấy mủi lòng. Rồi tôi chợt phủi bỏ suy nghĩ ấy và cảm vui thêm cùng chị. Người như chị, có việc làm, có tiền, có cái mưu sinh hẳn cũng là may mắn lắm rồi.
Những người không về… Tết
Chuyện ở lại thành phố ăn Tết như chị Lo ngẫm ra cũng chẳng có gì đặc biệt. Gần chỗ tôi ở có cậu sinh viên tên Giang người ở miền quê Sơn Động (Bắc Giang) năm nay cũng ở lại phố đón xuân. Chuyện trò Giang cho biết: Quê em mùa này cực lắm. Nước thiếu, gạo thiếu, nhà em kinh tế được coi là khá giả trong xóm nhưng lương thực cũng chỉ đủ cho cả năm ăn và còn dư đôi chút cho gà vịt. Tính chi phí vào tiền học cho em ở dưới này nếu không dựa vào đồng lương thương binh của bố em thì gạo chỉ còn đủ ăn 6 tháng.
Giang cho biết ý định ở lại của cậu là để kiếm tiền. Tết này, do nhanh nhẹn nên Giang đã xin phụ ké việc tại một bãi gửi xe. Tổng cộng 12 ngày trước và sau Tết, theo “hợp đồng miệng” đã được “ký” với chủ, Giang sẽ có gần 3 triệu để chi phí thêm cho năm học tiếp theo của mình.
Cũng tại khu xóm trọ sinh viên ở đầu Cầu Giấy, trong khung cảnh nhốn nháo của phố xá lúc vào xuân, cái cô sinh viên Trường ĐA. có cái tên khá hay Hương Liên đang bươn bả ở phố xá đã gây cho tôi một sự chú ý.
Hương Liên quê ở một làng chài ven biển Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá. Hết PTTH thì cũng là lúc người cha già lam lũ đã bỏ đi giữa cơn lốc trong một lần đi biển. Cuộc sống sinh viên và hoàn cảnh gia đình đã làm Hương Liên khốn khó lắm.
Tết này, biết hoàn cảnh của Hương Liên, một đứa bạn cùng lớp ở Hà Nội đã kiếm giúp Hương Liên một việc ở một tiệm ảnh. Mỗi ngày Hương Liên được chủ trả cho 250 nghìn, không mất tiền ăn và chỗ ngủ. Việc làm tại tiệm ảnh của Hương Liên là giúp thợ trang điểm, hướng dẫn khách và đem ảnh đến trả tại các địa điểm mà khách đến chụp.
Tết này là cái tết đầu tiên Hương Liên xa nhà. Và theo em, nếu như công việc thuận lợi, hơn chục ngày nghỉ Tết cô sẽ có cho mình một khoản thu để phụ giúp thêm cho việc học tập của mình.
Cười buồn giữa cái se lạnh của những ngày áp Tết, nhướng cặp mắt, Hương Liên hướng về phía chân trời xa tít tắp. Tôi biết nơi ấy là quê Hương Liên - ở đó có mẹ em đang thắp nén hương trầm để khấn vái tổ tiên cùng những nỗi buồn, xen lẫn lo lắng khi đứa con gái học nơi xa không về.
Tết này, trên khắp các nẻo đường của đất nước chắc sẽ còn hàng trăm số phận cùng những ngịch cảnh để buộc họ phải neo đậu lại “xứ người” để ăn Tết với nhiều lý do khác nhau. Biết là buồn và cần phải sẻ chia đấy thế nhưng…