Được thành lập vào năm 2011, theo giới thiệu, Bamboo Capital (BCG) tự định vị là tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam với hơn 60 công ty thành viên và liên kết. Trong đó, công ty chú trọng vào mảng bất động sản, năng lượng tái tạo, xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất và thương mại. Hiện Chủ tịch HĐQT của BCG là doanh nhân Nguyễn Hồ Nam.
BCG đang đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản thông qua hai công ty con là BCG Enery và BCG Land.
Mới đây, Công ty cổ phần BCG Energy đã công bố thông tin bất thường về tình hình chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tuần từ ngày 18/5 đến 24/5.
Cụ thể, trong văn bản gửi Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ông Phạm Minh Tuấn – Tổng giám đốc BCG Energy cho biết doanh nghiệp đang lên phương án để đàm phán với nhà đầu tư về thời hạn thanh toán mới đối với lô trái phiếu mã EBCCH2124003.
Đây là lô trái phiếu được phát hành ngày 24/5/2021, kỳ hạn 3 năm, tổng giá trị trái phiếu đã phát hành là 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn trả lãi 6 tháng/lần. Số tiền thu được từ đợt phát hành này được BCG Energy sử dụng với mục đích hợp tác đầu tư và/hoặc đầu tư phát triển dự án Nhà máy Điện gió Khu du lịch Khai Long – Cà Mau giai đoạn 1 do CTCP Điện gió BCG Khai Long 1 làm chủ đầu tư. Theo báo cáo, 1 tổ chức tín dụng và 1 công ty chứng khoán trong nước đã mua toàn bộ lô trái phiếu này với tỷ lệ 50/50.
Gần đây nhất, BCG Energy cũng thông báo điều chỉnh lãi suất áp dụng cho 2 lô trái phiếu mã EBCCH2124002 và EBCCH2124003. Theo đó, lãi suất lô trái phiếu EBCCH2124003 sẽ áp dụng mức 14%/năm với 2 kỳ tính lãi 24/11/2022 đến 24/11/2023. Ở các kỳ tính lãi tiếp theo, mức lãi suất sẽ trở về 10%/năm.
Kết thúc năm 2022, cả BCG Energy và BCG Land đều ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất, BCG Energy báo lãi sau thuế năm 2022 ở mức 295,5 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 7.177 tỷ đồng, trong đó hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,9 lần, tương ứng khoản nợ phải trả là 13.636 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 4,12.
Với BCG Land, kết thúc năm 2022, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 316,1 tỷ đồng, giảm 52% so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu ghi nhận 5.235 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên tới 6.334 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 1,21.
Ngoài hai mảng kinh doanh mũi nhọn là năng lượng và bất động sản, BCG cũng thể hiện tham vọng mở rộng hệ sinh thái trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Theo đó, trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, BCG cho biết Công ty Bảo hiểm AAA mới chỉ là viên gạch đầu tiên cho toàn bộ hệ sinh thái tài chính mà BCG muốn kiến tạo.
Trong năm 2023, BCG sẽ tiếp tục các hoạt động huy động vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược để có thể mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và fintech.
Trước đó, nhóm BCG đã hiện diện rất sâu tại Ngân hàng Eximbank khi HĐQT của nhà băng này từng có tới hai thành viên liên quan đến BCG là bà Lê Thị Mai Loan và ông Nguyễn Thanh Hùng. Mới đây, ông Nguyễn Thanh Hùng đã nộp đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính quý 1/2023 của BCG ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 44%, xuống còn 701 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8,8 tỷ đồng, giảm tới 98,3% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của công ty, lợi nhuận giảm mạnh do trong kỳ không ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao các dự án bất động sản. Đồng thời, công ty cũng không có thu nhập từ hoạt động M&A do điều kiện kinh tế không thuận lợi.
Thời điểm 31/3, tổng nợ phải trả của BCG ghi nhận gần mức 31.900 tỷ đồng, gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Tổng tài sản ở mức 46.258 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với đầu năm, trong đó hàng tồn kho là 4.275 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý 1/2023, dư nợ trái phiếu của BCG là 7.319 tỷ đồng, trái phiếu đến hạn trả là 67 tỷ đồng. Riêng trong quý đầu năm, BCG đã chi 395 tỷ đồng cho chi phí lãi vay, lãi trái phiếu.
PV