Thanh tra Chính phủ chỉ ra khuất tất phía sau dự án Kosy Sông Công

Theo TTCP, dự án Kosy Sông Công được giao đất không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, thực chất là giao đất thực hiện dự án để kinh doanh.
ttcp-chi-ra-hang-loat-khuat-tat-tai-du-an-kosy-song-cong-dspl-1626481496.jpg
Dự án Khu đô thị Kosy Sông Công. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1/1/2010 – 31/12/2018.

Tại kết luận này, TTCP chỉ rõ những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản và đầu tư xây dựng tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đáng chú ý, theo Kết luận của TTCP, tại dự án Khu đô thị Kosy (TP.Sông Công), việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 482 tỷ đồng. Nguồn vốn do chủ đầu tư ứng trước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật được trừ vào tiền sử dụng đất nhưng thực chất là giao đất để thực hiện dự án kinh doanh.

Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị Kosy được UBND tỉnh Thái Nguyên giao Công ty cổ phần Kosy là chủ đầu tư từ năm 2010.

Dự án này được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu đô thị Kosy - Sông Công vào ngày 13/3/2011.

Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, đến nay hạ tầng của Khu đô thị Kosy vẫn chưa hoàn thiện, các hạng mục thi công dở dang, phế thải vật liệu xây dựng...

Việc thi công chậm chạp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống tại khu vực này.

Được biết, Công ty Kosy thành lập năm 2008, vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng.

Năm 2011, Kosy chuyển mạnh sang bất động sản với dự án đầu tay Moutain View quy mô 38ha ở TP.Lào Cai.

Nối tiếp bước mở màn đó, trong giai đoạn 2014-2017, Kosy tăng mạnh vốn lên 415 tỷ đồng và phát triển hàng loạt dự án nhà ở tại Thái Nguyên và Bắc Giang.

Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020, doanh thu thuần của Công ty Kosy ở mức 1.308 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn bán hàng lên tới 1.230 tỷ.

Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020, doanh thu thuần của Công ty Kosy ở mức 1.308 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn bán hàng lên tới 1.230 tỷ.

Chi phí tài chính, chi phí bán hàng lần lượt ở mức 28,3 tỷ đồng và 14,9 tỷ đồng.

Trong năm 2020, doanh nghiệp có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 53, 4 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ở mức gần 22 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp là 2.198 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn ở mức 1.885,6 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho (1.039 tỷ).

Nợ phải trả lên tới 1.039 tỷ đồng, gần bằng nguồn vốn chủ sở hữu (1.158 tỷ đồng).

Đáng chú ý, phía Kosy mang quyền sử dụng đất được cấp tại nhiều dự án thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng.

Tính đến 31/12/2020, Kosy đã vay 782 tỷ đồng từ các ngân hàng và phát hành trái phiếu.

Cụ thể, Kosy mang toàn bộ Dự án Khu đô thị mới Kosy Phường Xương Giang, TP.Bắc Giang làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 210 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Hoàng Mai.

Toàn bộ dự án Khu đô thị số 11 phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên thế chấp để vay 114,4 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Hoàng Mai. Kosy còn mang 11 chiếc ô tô để làm tài sản thế chấp vay gần 5 tỷ đồng.

Chủ tịch Kosy ngồi tù vẫn làm đại diện pháp luật của công ty và đi học

Theo bản cáo bạch năm 2017 của Kosy, phần giới thiệu về Chủ tịch Nguyễn Việt Cường nêu, từ năm 1999 đến năm 2005, ông Cường kinh doanh tự do.

Từ năm 2005 đến năm 2008, ông Cường đảm nhận chức Giám đốc Công ty CP Sao Việt Lào Cai. Từ năm 2008 đến nay, ông Cường là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Kosy.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trước khi trở thành Chủ tịch Tập đoàn Kosy, ông Cường từng chịu bản án 46 tháng tù liên quan đến vụ phá đường dây thi thuê đại học năm 2004.

Bản án của TAND Hà Nội nhận định, trong quá trình thẩm vấn, 10 bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi, ăn năn hối cải. Chủ mưu đường dây là Ngô Thành Sơn đã tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, tạo nên dây chuyền thi thuê, thi hộ khép kín.

Trong đó, Nguyễn Việt Cường môi giới bán 01 bằng tốt nghiệp đại học giả do nhóm của Sơn "sản xuất".

Ngoài ra, ông Cường còn phải chịu thêm hình phạt 10 tháng tù treo của bản án hình sự cách đây 2 năm về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự 1999).

Như vậy, tổng cộng 2 bản án, ông Nguyễn Việt Cường phải chấp hành 46 tháng tù.

Đáng chú ý, ông Cường được giới thiệu trên website Tập đoàn Kosy, ông Nguyễn Việt Cường tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại Griggs University (chương trình liên kết đào tạo giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Griggs) vào năm 2007, trùng với thời điểm ông đang chấp hành bản án hình sự nói trên. Việc một người đang chấp hành án hình sự lại có thể đi học Thạc sĩ là điều rất bất thường.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông Cường giữ chức Giám đốc Công ty Sao Việt Lào Cai.

 Bạch Hiền - Người Đưa Tin Pháp Luật