Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ

Năm 2018, đánh dấu một bước tiến mới của làng phim Việt: Thế hệ trẻ.
Nếu như trước đây, những dự án phim được chú ý và gây tiếng vang thường đến từ những nhà sản xuất, đạo diễn danh tiếng, thì bắt đầu từ Nhắm mắt thấy mùa hè, người yêu phim Việt Nam đã dành thêm sự quan tâm tới những người trẻ đam mê điện ảnh, đang dấn thân vào một con đường vất vả và đầy những khó khăn.

Tất nhiên những Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Charlie Nguyễn hay Victor Vũ vẫn là những cái tên đảm bảo cho sự thành công của bất cứ người xem nào, thế nhưng đòi hỏi việc họ sản xuất mỗi năm một phim để đảm bảo cho thị trường là một điều bất khả.

Ngay kể cả điều đó là khả thi, lượng phim được sản xuất cũng chẳng thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của người xem hiện tại. Dù vậy, thị trường - gồm cả khán giả và những nhà đầu tư - lại quá đỗi khắt khe với những cái tên lạ. Và đó là khe cửa hẹp nhất mà những nhà làm phim trẻ phải vượt qua. 

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 2.

Nhắm mắt thấy mùa hè như một phát súng để tất cả chúng ta nhận ra rằng: Hóa ra, vẫn có rất nhiều người trẻ đã, đang và sẽ còn nỗ lực mỗi ngày cho niềm say mê điện ảnh. Họ là những người có tài, sẵn sàng dấn thân đến cùng để theo đuổi con đường làm phim còn quá đỗi khó khăn và nhiều hoài nghi.

Họ sẵn sàng mạo hiểm và cũng sẵn sàng đánh đổi để một lần thử biến giấc mơ và những ý tưởng ấp ủ trở thành hiện thực - dù nó có điên rồ, kỳ quặc hay quá đỗi khác biệt, đi ngược lại thị hiếu số đông. 

Có thể bạn không biết Cao Thúy Nhi, Phạm Thanh Tân, Trần Tuấn, Trịnh Đình Lê Minh, Duy Joseph, Nguyễn Hữu Hoàng... là ai nhưng thực tế họ đã sống trong "lòng chảo" của điện ảnh Việt đủ lâu, kinh qua đủ mọi công việc, mọi vị trí, mọi dự án - và cũng đủ kiên quyết để tìm cách bứt phá, tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ cho riêng mình. 

Khi gặp tất cả những nhà làm phim trẻ tuổi mà đầy hoài bão này, tôi đã giật mình khi cảm nhận được ngọn lửa mãnh liệt luôn bập bùng trong họ, ở cách họ nói chuyện, cách họ chia sẻ về đam mê và những dự định của mình, về tình yêu điện ảnh, những thước phim.

Họ là những người trẻ khôn ngoan, hiểu được cuộc chơi mà mình đang đặt chân vào. Và ngay cả khi đã nhận hàng chục lời từ chối, những cái lắc đầu - họ vẫn bám vào một niềm tin và say mê chân chính với điện ảnh - để tiếp tục theo đuổi con đường mà mình đã chọn. 

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 3.

Cao Thuý Nhi - Sinh năm 1989, tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh là đạo diễn của bộ phim Việt đình đám nhất đầu mùa hè năm nay - Nhắm mắt thấy mùa hè. Cô gái bé nhỏ, mỉm cười khẳng định rằng có những lúc bạn nên liều lĩnh một chút thì mới tìm thấy được thế giới của mình. Giống như cách mà Nhi từ Đà Lạt lên Sài Gòn để thi Đại học và cô nhận ra mình thuộc về nơi nào. 

Ngày ấy, Nhi đã thi đỗ trường Đại học Ngân hàng. Bằng sự dũng cảm và một lòng tin nho nhỏ, Nhi cố tình hoãn ngày nhập học ở Đại học Ngân hàng để chờ kết quả của trường Sân khấu Điện ảnh. Nhưng tất nhiên, con đường đến một sản phẩm được công chúng "gọi là" đón nhận lại không hề đơn giản.

Công việc trước khi ngồi vào ghế đạo diễn của Nhi trải dài từ dựng phim đến tổ chức sản xuất, cả những dự án mà tính chất công việc tương tự như đang... giải quyết hậu quả cho những người đi trước. Với Nhi, đó không phải là sự vất vả, đó chính là cách để cô được tiếp cận toàn diện nhất với công việc mình làm, hiểu được nó sâu rộng ra sao và quan trọng nhất, đó là biết được mình thật sự đam mê nó đến đâu để tiếp tục. 

Hay như Duy Joseph - Sinh năm 1991, đạo diễn của phim điện ảnh Trường học bá vương sắp ra mắt, Duy cho biết mình đến với điện ảnh bằng những sự tình cờ. Gia đình có truyền thống làm bác sĩ, thế nên từ nhỏ Duy đã được cha mẹ hướng theo nghề Y.

Nhưng những lần đi chơi với anh rể, được tiếp xúc thử với công việc dựng phim đã khiến cho Duy nhận ra trái tim của mình nằm ở đâu. Duy đã xin cha mẹ được rẽ lối để đeo đuổi con đường điện ảnh. 

Để chạm được cột mốc có bộ phim đầu tay vào năm 27 tuổi, con đường mưu sinh của Duy trước đó chẳng hề dễ dàng. Duy làm mọi việc có thể để tiếp cận với phim ảnh, được thở và được sống trong bầu không khí của một ekip làm phim.

Từ cuốn dây đèn, phục vụ hiện trường đến trợ lý đạo diễn, dựng phim, Duy đều đã được kinh qua. Là “được" chứ không phải “bị" vì đó là những kinh nghiệm quý giá mà không phải ai cũng có - Duy tâm niệm như vậy. 

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 5.

Đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh, đạo diễn phim "Thưa mẹ con đi" và "Mùi hương nước mắm".

Cả Nhi và Duy chưa hẳn là đã thành công, nhưng họ đã chạm vào giấc mơ của mình và thật sự ghi một dấu ấn nhỏ để dần được nhớ đến. Họ đã lựa chọn trái tim và niềm đam mê, nhưng theo đuổi nó với một sự tỉnh táo và lòng quyết tâm vô hạn.

Chính sự nghiêm túc và trách nhiệm ấy đã giúp họ kiên trì vượt qua những cái lắc đầu, những thất bại, những vất vả từ công việc nhỏ bé nhất. Và cũng chính sự nghiêm túc đấy cũng là kim chỉ nam cho họ để từ chối thoả hiệp với những lời đề nghị hạ thấp giá trị và chất xám của mình. 

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 6.
"Tôi từng được chào làm đạo diễn clip với giá một triệu, hoặc miễn phí vì lý do nếu cộng tác với người đó thì sẽ có cơ hội về sau này" - Nhà sản xuất Phạm Thanh Tân chua chát nói. Tân sinh năm 1990, và là nhà sản xuất cho bộ phim đình đám Nhắm mắt thấy mùa hè

Theo Tân, tiền ít hay tiền nhiều không quan trọng bằng việc mình học được gì qua dự án đó, mình có hết lòng với nó không. Nhưng Tân kiên quyết nói không với những công việc không trả lương, vì đó là một hình thức thoả hiệp không đáng với bản thân và sản phẩm của mình. 

Vấn đề không chỉ là một khoản thù lao, mà còn là cách nhiều người nhìn nhận công sức của các bạn trẻ một cách không thoả đáng. Duy Joseph kể lại trải nghiệm với một bộ phim đình đám: “Khi tôi tham gia nhóm dựng và được trả 20 triệu, con số chỉ bằng một phần năm bình thường, nhưng tôi vẫn nhận lời vì muốn có thêm trải nghiệm. 

Tuy nhiên, đến khi phim chiếu xong, tôi liên hệ để nhận tiền thì vì lý do trục trặc bên bộ phận kế toán mà họ không thanh toán cho tôi. Dù sau này mọi chuyện đã được giải quyết bằng cách tôi nhận… 10 triệu để an ủi, nhưng câu nói khiến tôi cảm thấy mình phải cố gắng với công việc này hơn nữa vào lúc đó chính là câu: Chị không biết em là ai. 

Tôi hiểu được ngoài việc mình lăn xả với nghề, học nhiều thứ bằng trải nghiệm thì mình còn phải có mục tiêu để phấn đấu. Tôi sẽ khiến mọi người biết đến mình qua chính sản phẩm của mình, đến chừng nào thành công thì thôi".

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 9.

Trước khi đến với Việt sử kiêu hùng, Trần Tuấn theo học khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa.

Nhưng, cũng sẽ có lúc bạn chấp nhận bán sức cho một công việc mà bạn biết chắc không thể thu lại tiền của. Việt sử kiêu hùng là một ví dụ. 

Nếu có biết qua dự án Việt sử kiêu hùng, bạn sẽ càng thấy sự thần kì của kết quả được đúc kết từ trách nhiệm và sự dấn thân của các bạn trẻ. Trần Tuấn - Sinh năm 1988, người khởi xướng dự án này từ đầu là một người không đam mê điện ảnh, nhưng những cuộc gặp gỡ tình cờ đã đưa đẩy Tuấn đến với những người chung chí hướng, muốn thực hiện những dự án cho cộng đồng.

Và Việt sử kiêu hùng ra đời. Một series diễn hoạ lịch sử cực kì công phu và hoành tráng nhưng lại được thực hiện với mục đích phi lợi nhuận, từ những con người chẳng hề dư dả tài chính mà chắc chắn khi xem qua bạn sẽ giật mình.

“Lúc đầu dự án chỉ có 3 người là mình, đạo diễn Kỳ Thế Vinh và thầy lồng tiếng Đạt Phi. Tụi mình lấy tập Võ Tánh mà thầy đã lồng tiếng trong series Hùng ca sử Việt để diễn họa. Sau khi làm được tập đầu tiên đó thì tụi mình kêu gọi được nhiều người hơn tham gia, video cũng được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Rồi được cộng đồng ủng hộ, dự án cứ bắt đầu lớn dần lớn dần…

Tụi mình cũng đã từng trình bày với vài đơn vị lớn, nhưng khó khăn chung vẫn là kế hoạch tài chính. Mình và các anh chị cũng từng ngồi lại với nhau nhiều lần để thử lên bảng tính, để tính toán lợi ích trên chi phí bỏ ra. Hầu hết các trường hợp đều là “lỗ chắc”, hoặc không thì cũng quá mơ hồ. Nên đến hiện tại cũng không khả quan về mặt kinh phí hay phát hành phim ở đâu đó để có thể thu được tiền.  

Mình rất hiểu nhà đầu tư bỏ tiền ra thì dĩ nhiên mình phải mang lại cho họ một cái gì đó tương xứng. Họ không phải là một cá nhân mà là một tổ chức, một doanh nghiệp, nên không thể chỉ thấy thích, thấy hay là ủng hộ được.

Vậy nên tình trạng hiện tại vẫn là lực bất tòng tâm. Lý do phần lớn là do phía mình chưa đủ chuyên nghiệp, thị trường chưa đủ lớn, rủi ro về mặt phát hành quá cao,... nên vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Hy vọng tương lai bộ phim sẽ có chuyển biến mới tích cực hơn.

Còn tương lai của tụi mình thì… vẫn rất bất định. Ngay lúc này mình không biết sẽ thế nào, đi về đâu, có thể làm tiếp hay không. Tất nhiên các bạn trong team cũng không thể “làm không công” mãi được.

Mọi người còn rất nhiều thứ để lo nghĩ, cơm áo gạo tiền, tương lai sự nghiệp,... Nhưng ít nhất, tụi mình cũng sẽ làm xong phần “Tử chiến thành Đa Bang” rồi mới tính toán tương lai thế nào.” - Trần Tuấn chia sẻ.

Câu chuyện về nhà đầu tư luôn là bài toán khó mà các dự án phim ảnh non trẻ gặp phải. Không chỉ ở các bạn làm phim độc lập như Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè hay Việt Sử Kiêu Hùng mà cả những bộ phim đã gây được tiếng vang lớn như Em Chưa 18 cũng đã từng lâm vào hoàn cảnh tương tự. “Kịch bản không mới lạ, nội dung học đường không có tiềm năng, đạo diễn lẫn nam nữ chính đều không phải ngôi sao, làm sao dám đầu tư?" chính là câu trả lời mà nhà sản xuất Em Chưa 18 nhận được khi đi chào tài trợ. 

Cũng tương tự như câu chuyện ekip "Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè" đã gõ cửa 30 công ty sản xuất lớn nhỏ ở Việt Nam và nhận lại những cái lắc đầu, thậm chí là những cú điện thoại dập máy giữa chừng. Nhưng nếu ngày ấy, cả ekip của "Em chưa 18" hay "Nhắm mắt thấy mùa hè" đều chấp nhận sự từ chối ấy, thì có lẽ bây giờ chúng ta chưa biết đến một bộ phim đã trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử, và cũng vẫn chưa có bộ phim độc lập nào gây ấn tượng nhiều đến thế cho khán giả về chất lượng, và cả về nỗ lực khôn cùng của đoàn làm phim trong việc biến những trang kịch bản tuyệt đẹp ấy trở thành hiện thực.

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 10.
Sức mạnh nào đã khiến những người trẻ kia quyết tâm hoàn thành dự án của họ, kể cả khi họ không có tiền, thậm chí là thuyết phục được bố mẹ để mượn... giấy tờ nhà đi thế chấp? 

Ngoại trừ cái trách nhiệm với đam mê, họ còn có sự tin tưởng. Họ tin vào đồng đội, tin vào giấc mơ chung, tin vào lý tưởng mà tất cả cùng theo đuổi. Chính người này sẽ là động lực, là trách nhiệm, là sự cam kết với người kia.

Một niềm tin chung sẽ hun đúc cho bước chân tiếp tục tiến về phía trước thay vì quay đầu bỏ cuộc. Không phải bạn trẻ mê điện ảnh nào cũng có thể tạo ra một Nhắm mắt thấy mùa hè hay Việt sử kiêu hùng thứ hai, ngay cả chính những người đã làm ra nó. 

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 12.

Vậy, nếu bạn vẫn chưa tìm được đồng đội? Vẫn sẽ có cách để bạn tìm được đầu ra cho sản phẩm, chính là sự lì lợm. Duy Joseph kể rằng cậu đã ấp ủ một kịch bản về trường học mà ở đó thầy cô giáo và các học sinh sẽ là... sát thủ, một dự án tâm huyết phản ánh đúng cá tính của bản thân.

Khi Duy mang dự án trình bày với nhà đầu tư, kể cả khi anh đã có được sự tín nhiệm sau một thời gian dài cộng tác với nhiều đơn vị, thì vẫn chỉ nhận được câu từ chối. Sự rủi ro trong gout thưởng thức của đại chúng, vì vấn đề kiểm duyệt gắt gao.

Nhưng anh chàng không dừng lại ở đó. Duy viết ra một kịch bản khác, như một option 2 thay vì chỉnh sửa trên option 1, để rồi lại đem đi trình bày và tiếp tục nhận câu từ chối. Cứ như thế, Trường học bá vương chính là kết quả của sự dung hoà từ rất nhiều option mà anh chàng đã nghĩ ra để bảo vệ “đứa con" của mình.

Khi được hỏi liệu rằng sự gật đầu của nhà đầu tư cho Trường Học Bá Vương có làm bộ phim mất đi cái chất cá nhân trước đó, Duy vẫn rất tự tin về những gì mình làm được. Anh nói rằng chắc chắn nó không thể vẹn nguyên như những gì mình nghĩ ra từ đầu, nhưng cũng không phải là sản phẩm từ sự thao túng của người khác. 

“Khi không được làm cái này, Duy sẽ nghĩ ra cái khác, cho đến khi nào làm được thì thôi. Chỉnh sửa là chuyện chắc chắn phải có vì mình đang dùng tiền của những người khác. Đặc biệt là với vấn đề kiểm duyệt, nếu mình không thể đùng một phát bắt số đông chấp nhận những thứ quá nặng nề thì hãy đi từng bước, rồi sẽ đến lúc sự thay đổi xuất hiện" - Duy Joseph chia sẻ về sự lì lợm rất... thông minh của mình. 

Hay như dự án Thưa mẹ con đi của Trịnh Đình Lê Minh. Hiện Minh đang là Chủ nhiệm chương trình Quản trị Công nghệ Truyền thông kiêm giảng viên môn sản xuất phim truyện của Đại học Hoa Sen và sắp sửa bấm máy phim điện ảnh Thưa mẹ con đi trong thời gian tới. Với Minh, sự từ chối không phải là cái khổ sở hay nỗi đau sẽ giết chết đam mê của mình. 

“Việc làm phim là con đường rất chông chênh, cần nhiều người đồng sáng tạo với mình và cần có kinh phí. Thưa mẹ con đi là dự án của một nhà sản xuất và một biên kịch khiến tôi thấy hứng thú và quyết định tham gia cùng họ với vai trò đạo diễn.

Nhưng để tìm được nhà đầu tư như hiện tại cũng cần có nhiều yếu tố, mà theo tôi quan trọng trong đó là giải thưởng Phim truyện giải trí xuất sắc nhất mà bọn tôi đã làm được ở chương trình Gặp gỡ mùa thu, nó như một sự bảo chứng cho mình với những người bỏ tiền vào dự án".

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 14.
Thật ra thì đường vẫn luôn nằm đấy. Quan trọng là ta tiến vào đó bằng cách nào. Trịnh Quang Minh - Sinh năm 1989, một người trẻ đang tìm kiếm cơ hội làm phim khẳng định những bạn trẻ Việt Nam đang ở trong giai đoạn thuận lợi hơn bao giờ hết về mặt công nghệ.
 
Internet không chỉ giúp chúng ta tra cứu, đọc, mà còn có thể đối thoại trực tiếp với những người trong nghề để trao đổi kinh nghiệm. Quan trọng nhất của một người làm điện ảnh vẫn là sự quyết tâm để hành động, phải tự đi tìm cơ hội vì nó sẽ không tự xuất hiện, và cũng chẳng có ai tự dưng đến đặt vào tay bạn một bộ phim. 

“Điện ảnh là một ngành nghề rất đa chiều, không nhất thiết ta muốn làm đạo diễn thì sẽ chỉ tìm kiếm cơ hội làm đạo diễn. Việc tiếp xúc và hoạt động trong nhiều vị trí khác nhau của điện ảnh sẽ càng giúp ta có nhiều kinh nghiệm hơn với nghề.

Như tôi đã từng đi học đạo diễn ở Malaysia, nhưng khi về Việt Nam tôi đã từng làm qua mảng marketing trong một hãng phim lớn của Việt Nam, sau đó là làm chủ mục điện ảnh. Mỗi một giai đoạn tôi đều có cho mình những kinh nghiệm tích luỹ mà chắc chắn nó sẽ hữu ích khi tôi bắt đầu thực hiện một bộ phim của bản thân” - Anh Quang Minh chia sẻ.

Thế hệ người trẻ làm phim Việt: Khi những kẻ lì lợm mộng mơ - Ảnh 16.

Trịnh Quang Minh, đạo diễn trẻ với phim ngắn đầu tay "Đoạn tuyệt".

Nguyễn Mỹ Trang, một biên kịch trẻ nhưng cũng thuộc hàng “chinh chiến" trong làng phim Việt cũng tán thành việc lăn xả và học hỏi. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ nhưng sau đó Trang bắt đầu nghề biên kịch từ thời đại học với đam mê điện ảnh, trở thành học viên của khóa Biên kịch quỹ Ford, sau đó bỏ công việc hành chính và suốt nhiều năm vừa làm công việc báo chí vừa tham gia biên kịch cho nhiều dự án điện ảnh - truyền hình trong nước như 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu Chạy, Cưới ngay kẻo lỡ, Lời thú nhận của Eva…. 

Tất cả những trải nghiệm này đã khiến Trang đúc kết được nhiều bài học đắt giá lẫn đau thương, nhưng vẫn giữ được tình yêu với phim ảnh. Càng làm nhiều, ta sẽ càng thấy nhiều khó khăn. Nhưng đã chọn lựa niềm đam mê, thì ta hãy đi đến cùng và đối mặt với những khó khăn đó, bởi không có cách này thì cũng sẽ có cách khác để ta chạm được vào giấc mơ của mình - chỉ cần ta nhẫn nại. 

Nền điện ảnh non trẻ nhưng sung sức của Việt Nam cần những cá thể như vậy, những người trẻ có đủ tình yêu, đủ niềm say mê, pha trộn lẫn sự quyết tâm, tài năng và cả chút lì lợm của tuổi trẻ. Họ hiểu được giá trị của mình, biết rõ tình yêu với con đường mình chọn đến đâu, và sẽ không dừng lại khi thất bại. 

Điện ảnh Việt đang lật giở sang những trang mới và chính những người trẻ này sẽ là thế hệ viết tiếp những thành công mới. Tin chắc rằng, trong tương lai, họ sẽ không chỉ mang đến những sản phẩm mới, những ý tưởng và những bộ phim chỉn chu với góc nhìn sống động hơn, mà còn truyền được phần nào cảm hứng cho những ai đang muốn dấn thân vào cuộc chơi khắc nghiệt nhưng đầy những thử thách đẹp đẽ và mê hoặc: Điện ảnh. 

Theo Trí Thức Trẻ