Thịt lợn Mỹ, Canada ồ ạt "tấn công" thị trường Việt Nam

Hơn 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái và gần bằng 70% cả năm 2019.

Tờ VnExpress đưa tin, theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố, từ đầu năm đến 13/4, Việt Nam nhập khẩu hơn 46.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan. Thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Canada, sau đó lần lượt là Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha... So với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu thịt lợn tăng 300% và gần bằng 70% lượng nhập khẩu cả năm ngoái.

Khảo sát tại một số cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội, các mặt hàng thịt lợn này giá rất rẻ, thấp hơn giá thịt ở chợ. Tại một cửa hàng chuyên thực phẩm nhập khẩu ở quận Hoàn Kiếm, thịt lợn ba chỉ Nga từ 130.000 đồng một kg, sườn Canada từ 115.000 đồng một kg. Tại một số siêu thị, thịt đùi, ba chỉ nhập khẩu có giá dao động 140.000 – 150.000 một kg, sườn khoảng 120.000 đồng một kg... Tại Big C, giá thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn trong nước 20-40%.

Một túi tim lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha bán tại siêu thị MM Mega Market. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Hiện tại, 788 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là Mỹ với 141 doanh nghiệp, thứ hai là Tây Ban Nha với 139 doanh nghiệp, thứ ba là Italy với 120 doanh nghiệp. Từ đầu năm, 108 doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu thịt lợn.

Ngoài thịt lợn, nhập khẩu thịt trâu, bò và gia cầm về Việt Nam cũng tăng mạnh.

Đến 13/4, Việt Nam đã nhập hơn 37.100 tấn thịt trâu, bò. Trong đó, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu thịt bò tăng khoảng 200% (chủ yếu từ Australia, Mỹ, Nga, Canada), thịt trâu tăng 135% (chủ yếu từ Ấn Độ)

Nhập khẩu thịt gia cầm đạt gần 78.400 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường nhập khẩu chính là Mỹ (hơn 65%), Hàn Quốc (14%), Brazil (10%),...

Bên cạnh nhập khẩu các mặt hàng thịt, Việt Nam cũng nhập lợn giống từ Mỹ, Canada, Đài Loan. 3 tháng đầu năm, 4 doanh nghiệp đã nhập 1.808 con lợn giống về Việt Nam.

Theo tờ Tri thức trực tuyến, hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.

Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y cho biết từ đầu năm đến hết ngày 2/8, cả nước phát sinh 914 ổ dịch tại 235 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 39.000 con, tổng trọng lượng gần 2.000 tấn.

Hiện nay, cả nước còn 178 xã thuộc 60 huyện của 17 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.633 con (trung bình mỗi xã có 37 con lợn bệnh phải tiêu hủy).

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT cho rằng Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tiếp tục thành lập đoàn công tác kỹ thuật đến các địa phương để đôn đốc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các tỉnh, thành phồ trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN&PTNT; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Đối với các địa phương có dịch tái phát, thành lập ngay các đoàn công tác do lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở làm trưởng đoàn. Đồng thời, cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ dịch tả lợn châu Phi để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tái phát, lây lan diện rộng.