Sáng 1/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
Lễ khởi công do Bộ GTVT phối hợp cùng UBND 9 tỉnh tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu chính ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang và 9 điểm cầu khác tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau.
Dự lễ tại điểm cầu Trung tâm ở tỉnh Quảng Ngãi với Thủ tướng Chính phủ còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự tại điểm cầu Hậu Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự tại điểm cầu Quảng Ngãi. Cùng dự lễ tại các điểm cầu có các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh các tỉnh có tuyến đường đi qua; các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kết, tư vấn giám sát và đông đảo nhân dân.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát động “Phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông”; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát động “Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công”.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2020 là khoảng 1.000 km.
Theo Thủ tướng, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả mới đạt được mục tiêu đề ra.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước, trong đó có ưu tiên cho các vùng khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía bắc. Dự án cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội với đất nước, với mọi người dân trên mọi miền cả nước.
Cũng theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km để nối thông suốt toàn tuyến.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Các nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu; các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm.
Thủ tướng nêu rõ đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ GTVT mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương, vì sự phát triển của đất nước. Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố và cùng các đại biểu tại 12 điểm cầu thực hiện nghi thức khởi công đồng thời 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị dài 267 km; Quảng Ngãi - Nha Trang dài 353 km; Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km; có tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. Đến nay, mặt bằng của toàn bộ 12 dự án thành phần đã được bàn giao 70%, đáp ứng yêu cầu khởi công.
Bạch Hiền (t/h)