Thường xuyên cho con ăn gà tần, hải sâm để tăng chiều cao, bà mẹ hối hận khi bác sĩ nói "tối đa 1m65"

CTV
Cha mẹ nào cũng mong con cao lớn nên không ít người đã tìm tới những món ăn, thực phẩm chức năng để giúp con cao hơn. Nhưng nếu không thực hiện đúng sẽ dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

"Tuổi xương của cậu bé chỉ có thể tăng thêm 2cm, anh chị xem phần đầu xương chỉ còn lại một cái khe rất nhỏ, nhiều nhất chỉ cao thêm được 2-3cm, chiều cao của con anh chị có thể không đến 1m65 đâu", bác sĩ Wu Meizhen, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) chỉ vào phim chụp tuổi xương của bệnh nhi và giải thích với cha mẹ của cậu bé. 

Cha mẹ của cậu bé Haohao từ lâu luôn tự ti với chiều cao của bản thân nên mong muốn con trai sẽ cao lớn hơn họ, vì vậy đã tìm mọi cách để con tăng chiều cao. Nhưng không ngờ kết quả lại phản tác dụng khiến 2 người vô cùng sững sờ. 

Con trai được dự đoán tương lai có thể cao 1m70 khiến cha mẹ thất vọng. (Ảnh minh họa)

Nấu món ăn tăng chiều cao cho con, cha mẹ mừng chưa được bao lâu đã phải hối hận

Hơn một năm trước, Haohao, 12 tuổi, cùng cha mẹ đến phòng khám ngoại trú chuyên khoa của bác sĩ Wu Meizhen để hỏi về các vấn đề tăng trưởng và phát triển.

Khi đó, tuổi xương của cậu bé là 13 tuổi, chiều cao khi ấy là 1m56 và nặng 40 kg. Cậu bé có biểu hiện phát triển bình thường, dự đoán chiều cao trung bình có thể là 1m70. Bác sĩ nhắc gia đình sau 3-6 tháng có thể tới kiểm tra lại. 

Đươc biết cha của Haohao cao hơn 1m70 một chút và mẹ của cậu bé cao chưa đến 1m60, nhưng họ luôn hy vọng con trai sẽ cao lớn hơn cha mẹ, ít nhất  là 1m75 và lý tưởng nhất là khoảng 1m80. Vì vậy, trước dự đoán của bác sĩ, hai vợ chồng cảm thấy thất vọng và khó chấp nhận sự thật.

Trong một bữa tiệc liên hoan với bạn bè, mẹ của Haohao kể lại chuyện đưa con đi khám chiều cao và cảm thấy buồn khi nghe bác sĩ dự đoán. Những người xung quanh nghe vậy cũng nhiệt tình góp ý cho người mẹ cách cải thiện vóc dáng cho con, đặc biệt có một người chia sẻ cách nấu các món ăn giúp tăng chiều cao khiến cha mẹ Haohao rất đồng tình.

Cha mẹ Haohao ngày nào cũng nấu món gà hầm tam thất và hải sâm cho con ăn. (Ảnh minh họa)

Nguyên liệu chính của món ăn này là tam thất, thịt gà và hải sâm. Theo lời khuyên của người bạn, gà hầm tam thất mỗi tuần ăn 3 lần, hải sâm cách ngày ăn một lần. Quả thực, sau nửa năm, chiều cao của Haohao đã tăng thêm 5cm.

Nhưng cha mẹ vui mừng không được bao lâu, tâm trạng dần u ám, 6 tháng sau đó, chiều cao của Haohao hầu như không tăng lên. Cảm thấy có gì đó không ổn, vài ngày trước, cặp vợ chồng này lại đưa con trai lên bệnh viện kiểm tra.

Giám đốc Wu Meizhen thẳng thắn nói rằng chỉ còn một chút khe hở ở đầu xương, và nó chỉ có thể dài thêm 2-3 cm nữa. Bác sĩ cũng phân tích món ăn mà Haohao dùng: "Tam thất có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn chặn cầm máu, giải huyết ứ, bổ máu, giúp liền xương, hải sâm là thực phẩm giàu đạm. Ăn một lượng thích hợp gà hầm tam thất, hải sâm có thể thúc đẩy chiều cao cho trẻ em không đủ chất dinh dưỡng nhưng nếu ăn quá nhiều tam thất và thực phẩm giàu protein sẽ thúc đẩy quá trình lão hóa xương. Sự tiến triển nhanh chóng của đầu xương làm tăng tốc độ đóng đầu xương và khiến đứa trẻ mất khả năng phát triển chiều cao".

Bác sĩ cho biết chế độ ăn quá nhiều protein đã dẫn tới sự lão hóa xương sớm ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Làm thế nào để đối phó với sự lo lắng về chiều cao

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ lo lắng cho con ở mọi vấn đề từ sức khỏe, ngoại hình đến học tập. Việc chiều cao của trẻ có bình thường hay không, những yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ,... đều là điều cha mẹ quan tâm và lo lắng.

Tuy nhiên do kiến ​​thức y học còn hạn chế, không ít cha mẹ đã tìm tới những phương pháp sai lầm mà bỏ qua lời khuyên của chuyên gia dẫn tới con mất đi cơ hội phát triển tốt nhất.

Chiều cao của trẻ có ngưỡng bình thường theo độ tuổi và giới tính, chỉ cần nằm trong ngưỡng này thì không cần quá lo lắng. Việc quản lý chiều cao của trẻ phải khoa học, không nên xem nhẹ mà bỏ sót.

Bác sĩ Wu Meizhen cho biết sự phát triển của trẻ em diễn ra đều đặn. Tất nhiên, di truyền, nội tiết, dinh dưỡng, bệnh tật, môi trường sống... đều sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển. 

Một chế độ ăn uống cân bằng cho trẻ em là chìa khóa, các chất dinh dưỡng như protein, chất béo, carbohydrate, khoáng chất và vitamin là không thể thiếu, nhưng chúng phải được cân bằng ở mức độ vừa phải. Vì vậy, cha mẹ không nên tự ý dùng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho con (nếu muốn dùng tốt nhất nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước), càng cần thận trọng hơn với các bài thuốc dân gian giúp tăng chiều cao.

Ngoài ra, việc lựa chọn các môn thể thao phù hợp theo sở thích và thể trạng của trẻ, đảm bảo ngủ đủ giấc cũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.

Giám đốc Wu Meizhen đề nghị cha mẹ nên hiểu một cách có hệ thống các đặc điểm về sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, đồng thời thường xuyên đánh giá quá trình này. 

Sự phát triển của xương xuyên suốt toàn bộ quá trình phát triển, tuổi xương không những có thể đánh giá chính xác mức độ, tốc độ tăng trưởng, phát triển của con người mà còn có mối tương quan rất lớn với để đánh giá tiềm năng tăng trưởng sau này. Do đó, trẻ cần được kiểm tra tuổi xương định kỳ 3-6 tháng/lần, các vấn đề về tăng trưởng của trẻ cần được phát hiện, xử lý và điều chỉnh sớm.