Nữ bệnh nhân nhập viện Bệnh viện JW trong tình trạng vùng cổ hoại tử nặng, chằng chịt các vết sẹo, vết thương hở chưa kịp lành do trải qua 4 lần phẫu thuật nạo áp-xe trước đó. Đặc biệt, vết cắt ngang cổ dài 15cm nối dài từ góc hàm bên này đến tận góc hàm bên kia.
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc bệnh viện JW cho biết, qua thăm khám và khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân đã tiêm 1 chất dịch lạ vào vùng cằm và má, đã trải qua 3 lần giải phẫu để nạo hút áp-xe, nhưng vẫn không hết. Bác sĩ quyết định không cho bệnh nhân mổ liền mà cho truyền thuốc kháng sinh trước 3 ngày, sau đó quan sát tình hình và tiến hành phẫu thuật vào thời điểm thích hợp.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến “vết cứa”ở cổ, nữ bệnh nhân cho biết, 4 tháng trước, chị tiêm tan mỡ nọng tại một cơ sở spa chui. Sau một tuần, vết tiêm ở cổ bỗng bắt đầu sưng tấy và nổi mủ, tuy nhiên, các thợ làm đẹp tại đó lại khẳng định rằng do chất tan mỡ đó “chưa tan hết ” nên mới đóng cục. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi chị bắt đầu bị sốt, khối u phù nề nghiêm trọng, thậm chí còn lan ra khắp vùng cổ. Những đốm mủ sưng to làm vùng cằm biến dạng và bị xệ xuống. Bệnh nhân lo sợ nên đã đi spa nơi khác để xử lý khối áp-xe nhưng vẫn tái diễn nhiều lần.
Ê-kip mổ Bệnh viện JW đã họp chuyên môn, phân tích và tính toán kỹ lưỡng đường mổ vùng cổ, để ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi và không có bất kỳ sai sót nào. Ca mổ này phải giải phẫu khối áp xe ở cổ, có độ rủi ro cao hơn rất nhiều so với các ca hoại tử trước đây. Khó khăn nhất là vị trí áp-xe quá gần với động mạch chủ và đã lan tỏa khắp vùng cổ, đặc biệt nằm ngay chỗ chia nhánh của động mạch cảnh trong và tĩnh mạch cảnh, rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
Các bác sĩ phải tính toán đường mổ vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vì vết thương trước đó đã có nhiều giải phẫu và trên vùng má lại có quá nhiều ổ áp-xe li ti, lại không thể để lại đường mổ trên má. Sau hơn 4 giờ, ca phẫu thuật đã thành công, toàn bộ dịch mủ tích tụ trong cổ và cằm được nạo hút hết.